26/10/2022 16:18

Phá hoại tài sản kê biên bị xử lý như thế nào?

Phá hoại tài sản kê biên bị xử lý như thế nào?

Cho tôi hỏi nếu một người có hành vi xâm phạm đến tài sản kê biên mà mình được giao quản lý (chẳng hạn như đập phá, hủy hoại tài sản) thì sẽ bị xử lý như thế nào? (Hoài Nam – Hà Nội)

Chào bạn, trước hết Thư Viện Bản Án xin gửi đến bạn một bản án có nội dung tương tự đã được xét xử trên thực tế như sau:

Bản án về tội vi phạm việc kê biên tài sản số 01/2022/HS-ST có nội dung:

"Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa tuyên Bản án số 01/2018/KDTM-ST với nội dung buộc Công ty TNHH H (Ông Võ Văn H là người đại diện theo pháp luật) phải trả cho Ngân hàng N số tiền 6.212.138.236 đồng và án phí dân sự 114.212.138 đồng. Sau khi bản án có hiệu lực, Công ty TNHH H không tự nguyện thi hành án nên Chi cục thi hành án dân sự thị xã Ninh Hòa đã ra Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo bản án và lập biên bản kê biên tài sản, giao cho ông Võ Văn H và bà Lê Thị H quản lý số tài sản bị kê biên trên gồm: thửa đất có diện tích 213 m2 và 01 ngôi nhà 04 tầng trên đất.

Tuy nhiên, trong tháng 3/2019 bị cáo Võ Văn H đã có hành vi tháo dỡ và di dời một số vật dụng của ngôi nhà được giao quản lý. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thị xã Ninh Hòa kết luận tổng giá trị các tài sản bị hủy hoại là: 32.281.101 đồng. Ngoài ra còn một số tài sản khác do không xác định được thời điểm tháo dỡ trước hay sau thời điểm kê biên và một số tài sản không còn nên không định giá được.

Hội đồng xét xử nhận định:

Bị cáo Võ Văn H đã có hành vi tháo dỡ và di dời một số vật dụng của ngôi nhà được giao quản lý, tổng giá trị các tài sản bị hủy hoại là: 32.281.101 đồng. Ngoài ra còn một số tài sản khác do không xác định được thời điểm tháo dỡ trước hay sau thời điểm kê biên và một số tài sản không còn nên không định giá được. Sau khi tháo dỡ các tài sản trên, bị cáo đã lắp đặt khắc phục lại các tài sản đã tháo dỡ. Sau đó toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã được tiếp tục kê biên và hiện nay đã được bán đấu giá theo quy định.

Mặc dù biết Bản án số 01/2018/KDTM-ST ngày 17/10/2018 của Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa đã có hiệu lực pháp luật và đã có Quyết định thi hành án, Quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, giao cho bị cáo và bà Lê Thị H quản lý số tài sản bị kê biên theo quy định của pháp luật nhưng bị cáo H đã tháo dỡ và di dời các tài sản nêu trên làm mất công năng sử dụng của tài sản. Tông thiệt hại tài sản là 32.281.101 đồng nên hành vi của bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm việc kê biên tài sản” theo Điều 385 của Bộ luật Hình sự.

Vì các lẽ trên, Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa quyết định tuyên bố bị cáo Võ Văn H về tội “Vi phạm việc kê biên tài sản”, phạt 02 (hai) năm cải tạo không giam giữ."

Tội “Vi phạm việc kê biên tài sản” được quy định trong Điều 385 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

“Điều 385: Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản

1. Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;

b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;

b) Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Các yếu tố cấu thành tội phạm:

- Mặt khách quan: có hành vi hủy hoại tài sản bị kê biên làm mất hẳn tính năng, tác dụng, giá trị; giá trị sử dụng của tài sản bị kê biên.

- Mặt khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan thi hành án.

- Mặt chủ thể: bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự được cơ quan có thẩm quyền giao bảo quản tài sản bị kê biên; hoặc bị niêm phong.

- Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Khung hình phạt:

Tội “Vi phạm việc kê biên tài sản” thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng, có khung cơ bản là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đối với các trường hợp phạm tội có thêm một trong các tình tiết tăng nặng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, bao gồm:

- Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;

- Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Có thể thấy, kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế thi hành án mà Tòa án thực hiện để ngăn cản những hành vi trái pháp luật đối với tài sản trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, bất cứ cá nhân nào có hành vi xâm phạm đến tài sản đang bị kê biên nghĩa là xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng và sẽ phải chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.

Phương Uyên
1197

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]