11/02/2019 14:59

Ông nội tặng đất cho cháu, muốn đòi lại có được không?

Ông nội tặng đất cho cháu, muốn đòi lại có được không?

Việc ông bà tặng cho cháu tài sản là lẽ thường. Tuy nhiên vì một số mâu thuẫn nào đó cũng có thể thay đổi ý kiến, không muốn cho cháu của mình nữa. Vậy việc đòi lại tài sản đã tặng cho có được hay không, đặc biệt là những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu như đất đai thì thế nào?

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận, được quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 (Điều 465 Bộ luật dân sự 2005).

Tại bản án 01/2018/DS-ST ngày 23/01/2018 của Toà án nhân dân thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên xét xử về việc tranh chấp kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Cụ thể:

Ngày 23/8/2010 ông Nguyễn Văn T cùng vợ là Nguyễn Thị N đã lập di chúc, nội dung để lại toàn bộ đất, tài sản trên đất có trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD) đất số G 369137 cho cháu nội là Nguyễn Văn M. Ngày 05/01/2012 chị Vũ Thị P, là con dâu ông, vợ của con trai ông là anh Nguyễn Văn L (đã mất năm 1995) về, bảo ông đưa di chúc để đến UBND xã Nam Tiến làm thủ tục chuyển giấy CNQSD đất từ tên ông sang tên cháu nội là Nguyễn Văn M (con trai chị P). Sau khi đưa bản di chúc, giấy CNQSD đất và các giấy tờ liên quan cho chị P, ông được chị P đưa ra UBND xã Nam Tiến để làm hợp đồng tặng cho tài sản và đất thổ cư.

Ông T đã đề nghị hủy toàn bộ hợp đồng chuyển cho quyền sử dụng đất đất và tài sản gắn liền với đất ngày 05/01/2012 giữa ông và chị Vũ Thị P, đề nghị hủy giấy CNQSD đất tên chị P, trả lại thửa đất số 315, tờ bản đồ số 52-I, diện tích 1.245m2 cho ông.

Toà án nhân dân thị xã Phổ Yên cho rằng, tài sản tặng cho được xác định là của vợ chồng ông T, bà N. Không có cơ sở để cho rằng bà N đã ký vào hợp đồng chuyển cho QSD đất cho chị P. Việc chuyển cho một phần tài sản là đất ở, đất vườn cùng nhà cấp 4 trên đất cho chị P cũng là trái với ý chí của bà N được thể hiện tại bản di chúc. Trên đất ngoài nhà cấp 4 còn có công trình phụ khác, ao, cũng không được thể hiện trong hợp đồng. Các hộ giáp gianh có đất, nhà liền kề cũng không được ký giáp gianh. Như vậy, hợp đồng tặng cho QSD đất giữa ông T và chị P đã vi phạm cả về hình thức và nội dung hợp đồng, không có cơ sở để chấp nhận. Tuyên bố hợp đồng tặng cho là vô hiệu, hủy giấy CNQSD đất đã cấp cho chị P.

Trong trường hợp này, hợp đồng tặng cho này vô hiệu vì bà N - vợ ông T chưa ký vào bản hợp đồng dù trong di chúc bà đã đồng ý cho. Mảnh đất này là tài sản chung của ông T và bà N, ông T đã tự mình xác lập, thực hiện giao dịch không đúng quy đinh về đại diện giữa vợ và chồng, vì vậy giao dịch này vô hiệu (Khoản 2 Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 ).

Như vậy, khi xác lập hợp đồng tặng cho tài sản, đặc biệt là quyền sử dụng đất, cần nên chú ý đến tài sản được tặng cho có phải là sở hữu chung của vợ chồng không. Ngoài ra, còn nên chú ý về hình thức của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (Điều 502 Bộ luật dân sự 2015) để hợp đồng không bị tuyên vô hiệu cũng như không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên.

Thu Linh
3964

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]