Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 67/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 4. Nguyên tắc chung
1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định này (sau đây gọi là “bên mua bảo hiểm”) phải mua bảo hiểm bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm theo quy định pháp luật.
…
Theo đó, dẫn chiếu đến Điều 2 Nghị định 67/2023/NĐ-CP có nêu:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Chủ xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
…
Theo quy định trên, chủ xe ô tô phải mua bảo hiểm bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai nghiệp vụ bảo hiểm theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP cũng có nêu rõ, phạm vi của bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
- Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
- Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách trên chiếc xe đó do xe cơ giới tham gia giao thông, hoạt động gây ra.
Bên cạnh đó, hiện nay chủ xe ô tô cũng có thể mua các loại bảo hiểm tự nguyện như hảo hiểm tai nạn lái xe và người ngồi trên xe, bảo hiểm vật chất, bảo hiểm thủy kích, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe ô tô,... trong những trường hợp sau:
- Những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát như: dâm, va (bao gồm cả va chạm với vật thể khác ngoài xe cơ giới), lật, đổ, chìm, rơi toàn bộ xe, bị các vật thể khác rơi vào; hỏa hoạn, cháy, nổ;
- Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên;
- Mất toàn bộ xe do trộm, cắp.
Như vậy, trường hợp mưa bão làm xe ô tô bị ngập dẫn đến hư hỏng là tai họa bất khả kháng do thiên nhiên gây ra, do đó nếu chủ xe có mua gói bảo hiểm vật chất hay gói bảo hiểm thủy kích thì sẽ được bên bảo hiểm bồi thường theo quy tắc bảo hiểm.
Còn nếu chủ xe chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc thì khi phương tiện đó bị hư hỏng, thiệt hại sẽ không được bên bảo hiểm bồi thường.
Tham khảo tình huống tại Bản án 430/2023/DS-PT do Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử ngày 26/12/2023 với nội dung như sau:
Ông Bùi Văn S là chủ sở hữu của xe ô tô mang biển số BKS 69A – X. Ngày 11/7/2022 ông đã mua gói bảo hiểm thủy kích của Công ty B Cà Mau với mức phí bảo hiểm là 502.866 đồng. Giá trị bảo hiểm được bảo hiểm toàn bộ là 1.085.000.000 đồng. Vào ngày 27/11/2022 có mưa lớn và nước thủy triều dâng cao nên xe ông bị ngập nước, ông điện thoại cho anh T1 là nhân viên Công ty để anh T1 ghi nhận hiện trường và anh T1 thông báo xe ông ở tại khu vực bị ngập nước thì phải chịu 10% giá trị tiền sửa xe ông đồng ý. Ngày 05/12/2022 ông đưa xe lên hãng xe của Công ty Trường Hải làm giám định do anh Q nhân viên của Công ty B Cần Thơ làm biên bản. Khi xe vừa cẩu lên kiểm tra thì cọng dây bông go câu trực tiếp cọng dây thủy kích (thước lái) sắp bị đứt nên đã thay mới với số tiền là 91.257.660 đồng. Khi hãng kiểm tra xe xong làm hồ sơ và gửi về Công ty B Cà Mau thì ông làm thủ tục xin nhận bồi thường nhưng Công ty B Cà Mau trả lời không nằm trong phạm vi bồi thường và nói xe ông bị lỗi bộ phận thủy kích trước khi ông mua bảo hiểm.
Tại bản án sơ thẩm 224/2023/DS-ST ngày 12/09/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau quyết định: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Buộc Tổng công ty Bảo hiểm B phải chi trả tiền bảo hiểm cho ông Bùi Văn S số tiền 82.148.000 đồng.
Ngày 27/9/2023, bị đơn là Tổng Công ty Bảo hiểm B kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông S. Tại phiên xét xử phúc thẩm, Công ty thừa nhận ông S đã mua gói bảo hiểm thủy kích là loại bảo hiểm toàn bộ máy xe ô tô khi bị hư hỏng do ngập nước, hệ thống thước lái của xe ông S hư hỏng trong thời gian ông S tham gia bảo hiểm và thước lái xe ông của ông S thay mới nằm trong quy định được bồi thường bảo hiểm thủy kích, nhưng Tổng Công ty Bảo hiểm B cho rằng hệ thống thước lái xe của ông S đã bị hư hỏng trước khi tham gia bảo hiểm do ông S không trung thực nhưng nhân viên Công ty kiểm tra không chặt chẽ nên Tổng Công ty không đồng ý bồi thường là không có cơ sở, Công ty cũng không có chứng cứ chứng minh.
Quyết định của bản án phúc thẩm 430/2023/DS-PT ngày 26/12/2023 như sau:
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm B. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 224/2023/DS-ST.
- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Văn S. Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chi trả tiền bảo hiểm cho ông Bùi Văn S số tiền 82.148.000 đồng
Như vậy, Tổng Công ty Bảo hiểm B đã tự ý cho rằng ông S không trung thực, lấy lý do xe của ông S đã bị hư hỏng trước khi tham gia bảo hiểm của Công ty nên đã loại trừ bồi thường bảo hiểm thủy kích của ông S, đồng thời Tổng Công ty Bảo hiểm B không có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình nên không có cơ sở để cho để công ty cho rằng xe của ông S đã bị hư hỏng trước khi tham gia bảo hiểm.
Qua bản án trên, có thể thấy rằng không phải trong mọi trường hợp ô tô bị hư hỏng do mưa bão, ngập lụt đều được bên bảo hiểm bồi thường. Bên bảo hiểm có thể sẽ lấy một số lý do để loại trừ trách nhiệm bồi thường cho chủ xe.
Vì thế, để được hưởng toàn bộ quyền lợi bảo hiểm, chủ xe cần phải tuân thủ một số quy trình, quy định nhất định. Khi phát hiện xe bị ngập thì không nên cố gắng khởi động sẽ mà hãy ngay lập tức thông báo cho bên bảo hiểm để cử chuyên viên giám định hiện trường. Trong lúc đó, chủ xe có thể chụp hình tình trạng của xe để lưu lại bằng chứng. Việc này giúp xác định được nguyên nhân và mức độ thiệt hại do mưa bão gây ra, từ đó có cơ sở để bên bảo hiểm bồi thường.