21/08/2024 16:22

NVQS 2025: Xăm mình có đi nghĩa vụ quân sự không?

NVQS 2025: Xăm mình có đi nghĩa vụ quân sự không?

Công dân có hình xăm trên cơ thê có đi nghĩa vụ quân sự không? Việc khám nghĩa vụ quân sự hiện nay được quy định như thế nào?

1. Xăm mình có đi nghĩa vụ quân sự không?

Theo Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, sẽ không tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội những trường hợp sau đây:

- Trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực

- Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống

- Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên

Đối với những công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm không thuộc vào các trường hợp nêu trên hoặc có thể tẩy xóa, không gây phản cảm, ảnh hưởng đến lễ tiết, tác phong của quân nhân cách mạng thì vẫn được xem xét, gọi nhập ngũ

Ngoài ra, để tuyển chọn công dân nhập ngũ thì còn phải căn cứ vào các tiêu chuẩn khác như tuổi đời, trình độ văn hóa, lý lịch chính trị và các tiêu chuẩn về sức khỏe khác như chiều cao, cân nặng, thị lực,.. theo Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP.

Như vậy, tùy vào tính chất, kích thước hình xăm thì công dân vẫn có thể được đi nghĩa vụ quân sự kèm theo đáp ứng về các tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định.

Xem chi tiết tại: Bộ Quốc phòng trả lời cử tri tỉnh Hà Tĩnh về bổ sung quy định hình xăm đối với thanh niên chưa khám nghĩa vụ quân sự

2. Khám nghĩa vụ quân sự hiện nay như thế nào?

Căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 và Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cũng sẽ trải qua 02 vòng: khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. 

- Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự: là việc thực hiện kiểm tra, đánh giá sơ bộ sức khỏe đối với công dân được gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trước mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự. (Quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP)

- Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự: là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện sau khi sơ tuyển sức khỏe. (Quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP)

Cụ thể:

* Vòng khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

- Trạm y tế cấp xã thực hiện sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế cấp huyện hoặc Bệnh viện đa khoa cấp huyện; giám sát của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

- Nội dung sơ tuyển sức khỏe

+ Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình;

+ Phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP; những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

Những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP gồm:

TT

TÊN BỆNH

MÃ BỆNH ICD10

1

Tâm thần

F20 đến F29

2

Động kinh

G40

3

Bệnh Parkinson

G20

4

Mù một mắt

H54.4

5

Điếc

H90

6

Di chứng do lao xương khớp

B90.2

7

Di chứng do phong

B92

8

Các bệnh lý ác tính (U ác, bệnh máu ác tính)

C00 đến C97; D00 đến D09; D45 đến D47

9

Người nhiễm HIV

B20 đến B24; Z21

10

Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng

 

* Vòng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

- Việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được thực hiện tại Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện.

- Nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự bao gồm:

- Khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ);

- Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); chức năng gan (AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinine); đường máu; virus viêm gan B (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HIV; nước tiểu toàn bộ. (10 thông số); siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy. Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

Lưu ý: Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì ủy viên Hội đồng trực tiếp khám báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám. 

Chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X-quang tim phổi thẳng.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
44

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn