24/04/2023 10:12

NSDLĐ không cho NLĐ nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh bị xử phạt như thế nào?

NSDLĐ không cho NLĐ nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh bị xử phạt như thế nào?

Tôi muốn hỏi nếu NSDLĐ không cho NLĐ nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh thì NSDLĐ bị xử phạt ra sao? Xin cảm ơn!_Ngọc Ánh (Huế)

Chào chị, đối với yêu cầu của chị, Ban biên tập xin giải đáp đến chị như sau:

1. Chế độ đối với người lao động trong ngày hành kinh

Theo quy định tại Khoản 4 Điều Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động trong ngày hành kinh được hưởng thêm quyền lợi như sau:

“Điều 137. Bảo vệ thai sản

...

Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”

Khoản này được hướng dẫn cụ thể bởi khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

3. Nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ:

a) Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;

b) Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.”

Như vậy, trong các ngày hành kinh (tối thiểu 3 ngày làm việc/tháng) người lao động sẽ được nghỉ mỗi ngày 30 phút và được tính vào thời giờ làm việc cũng như được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Về số ngày nghỉ/tháng sẽ do thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ, thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng sẽ do NLĐ thông báo với NSDLĐ.

Ngoài ra, nếu trong thời gian hành kinh NLĐ không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý để NLĐ làm việc thì NLĐ sẽ được trả thêm tiền lương cho thời gian NLĐ đã làm trong thời gian được nghỉ đó.  

2. Mức xử phạt khi NSDLĐ không cho NLĐ nghỉ 30 phút trong ngày hành kinh

Theo quy định tại điểm d Khoản 2 và điểm a Khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP  về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì NSDLĐ không cho NLĐ nghỉ 30 phút trong ngày kinh nguyệt sẽ bị xử phạt như sau:

“Điều 28. Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

...

d) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

...

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;”

Như vậy, NSDLĐ không cho lao động nữ trong thời gian hành kinh nghỉ theo quy định của pháp luật bị sẽ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định:

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Vậy mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nêu trên là mức phạt dành cho NSDLĐ là cá nhân khi không cho NLĐ đến ngày kinh nguyệt nghỉ 30 phút/ngày. Đối với người sử dụng lao động là tổ chức mức phạt sẽ từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi không cho NLĐ nghỉ 30 phút ngày hành kinh..

Nguyễn Thị Sáng
1456

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]