05/03/2024 11:26

Nộp tiền phạt vi phạm giao thông có được trả góp không?

Nộp tiền phạt vi phạm giao thông có được trả góp không?

Em vừa bị CSGT phạt tiền do vi phạm giao thông, tuy nhiên em vẫn còn là sinh viên nên không có đủ tiền để nộp phạt. Cho em hỏi rằng có thể trả góp tiền nộp phạt vi phạm giao thông không ạ? (Mạnh Dũng - Bình Định)

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định về thủ tục nộp tiền phạt vi phạm giao thông

Căn cứ vào Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thủ tục nộp tiền phạt do vi phạm giao thông như sau. 

- Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

- Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.

- Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.

- Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

- Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.

2. Nộp tiền phạt vi phạm giao thông có được trả góp không?

Theo khoản 3 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thì cá nhân vi phạm giao thông mà bị phạt tiền thì chỉ nộp phạt một lần. Ngoại trừ các trường hợp quy định tại Điều 79 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, người vi phạm được nộp tiền phạt nhiều lần khi có đủ các điều kiện như sau:

- Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;

- Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế. Đơn đề nghị của tổ chức phải được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.

Như vậy, người vi phạm có thể nộp tiền phạt nhiều lần trong thời hạn không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực, số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần và mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt theo khoản 2 Điều 79 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn chỉ có thể nộp phạt vi phạm giao thông nếu như số tiền nộp phạt của bạn dao động từ 15.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. Hoặc bạn có thể nộp đơn đề nghị nộp phạt nhiều lần nếu đang trong tình trạng kinh tế đang đặc biệt khó khăn. Đơn đề nghị của bạn sẽ được UBND cấp xã nơi bạn cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bạn học tập xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.

3. Các trường hợp cá nhân được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông

Căn cứ tại Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 38 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, quy định các trường hợp được giảm, miễn tiền phạt vi phạm giao thông:

- Giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 do cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế bởi thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;

- Cá nhân được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt do không có khả năng thi hành quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 38 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;

+ Đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 nhưng gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

Cá nhân không có khả năng thi hành quyết định được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;

Bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1052

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]