Chào chị, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Nồng độ là thuật ngữ được dùng nhiều trong hóa học và toán học, dùng để chỉ lượng hóa chất có trong một hỗn hợp, thường là dung dịch.
Ví dụ dễ hình dung nhất đó chính là nồng độ cồn trong bia dùng để chỉ lượng cồn (Công thức hóa học là C2H5OH) có trong bia tính theo đơn vị %.
Thông qua ví dụ trên, ta có thể rút ra kết luận rằng nồng độ phần trăm của 1 dung dịch là 1 đại lượng cho biết trong 100 gam dung dịch sẽ có bao nhiêu gam chất tan, được kí hiệu là C%.
(1) Bia Sài Gòn
+ Bia Sài Gòn xanh có nồng độ cồn: 4.3%.
+ Bia Sài Gòn đỏ có nồng độ cồn: 4.9%.
+ Bia Sài Gòn Special có nồng độ cồn: 4.9%.
(2) Bia Tiger
+ Bia Tiger nâu có nồng độ cồn: 5%.
+ Bia Tiger bạc có nồng độ cồn: 4.6%.
(3) Bia Heineken
Bia Heineken xanh có nồng độ cồn: 5%.
Bia Heineken bạc (Heineken Silver) có nồng độ cồn: 4%.
Bia Heineken 0.0% độ cồn: Bia không cồn.
Ta có thể thấy nồng độ cồn trong các loại bia được người Việt Nam ưa chuộng đều có mức giao động trong khoảng từ 4%-5%. Ngoài ra thì còn có loại bia có nồng độ cồn 0%, dành cho những ai không uống đồ uống có cồn nhưng vẫn muốn thưởng thức vị bia.
Thông thường khi đi mua rượu tại các cửa hàng được cấp giấy phép kinh doanh rượu thì đều bắt gặp biển cảnh báo cấm bán rượu cho người dưới 18/ tuổi. Tuy nhiên đối với những loại đồ uống có cồn khác như bia thì liệu pháp luật có cấm bán cho người chưa thành niên hay không?
Để làm rõ vấn đề nêu trên, căn cứ tại Điều 5 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia bao như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
...
Ngoài ra, tại khoản 9 Điều 6 Luật trẻ em 2016 cũng quy định rõ về việc cấm các hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
Rượu bia ở đây dùng để chỉ chung các loại thức uống có cồn, Ví dụ như StrongBowl mặc dù được gọi là nước trái cây lên men, nhưng do chứa nồng độ cồn khoảng 4.5% - 5% nên vẫn được xem như là một loại bia.
Cho nên, tuyệt đối không được bán đồ uống có cồn nói chung, hay rượu bia nói riêng cho người chưa thành niên. Trong trường hợp nghi ngờ người mua rượu bia là người dưới 18 tuổi thì có quyền yêu cầu người đó xuất trình giấy tờ chứng minh (Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019).
Tại Điều 31 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán rượu bia cho người chưa thành niên như sau:
Vi phạm các quy định về bán, cung cấp rượu, bia
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi;
b) Không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.
...
Theo đó, hành vi bán, hoặc cung cấp rượu bia cho người dưới 18 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Lưu ý rằng mức phạt trên là mức phạt áp dụng cho cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức, số tiền phạt sẽ tăng lên gấp đôi (khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Trân trọng!