Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:
Theo Điều 9 Nghị định 34/2024/NĐ-CP, người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông đường bộ phải đảm bảo các điều kiện như sau:
- Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải đảm bảo có đủ các điều kiện điều khiển phương tiện và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định 34/2024/NĐ-CP.
- Người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm phải được huấn luyện an toàn và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn về loại hàng hóa nguy hiểm do mình áp tải, xếp, dỡ hoặc lưu kho.
Như vậy, người điều kiện phương tiện, người áp giải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa khi thực hiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đều phải được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm.
Việc tổ chức huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm sẽ do người thuê vận tải hoặc người vận tải tổ chức huấn luyện chịu trách nhiệm hay cử các đối tượng trên tham gia khóa huấn luyện của các đơn vị tổ chức có chức năng huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo định kỳ 2 năm một lần.
Sau khi người được huấn luyện đã được huấn luyện xong, thì trong các trường hợp như: thay đổi chủng loại hàng hóa nguy hiểm trong quá trình vận chuyển, thay đổi vị trí làm việc, sau 2 lần kiểm tra nhưng người được huấn luyện không đạt yêu cầu và khi hết thời hạn 2 năm kể từ lần huấn luyện trước thì người đó phải được thực hiện huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm lại.
Theo Điều 8 Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định về nội dung huấn luyện an toàn đối với người vận chuyển hàng hóa nguy hiểm như sau:
- Nội dung huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm phải phù hợp với vị trí, trách nhiệm của người được huấn luyện; tính chất, chủng loại, mức độ nguy hiểm của các loại hàng hóa nguy hiểm. Tài liệu huấn luyện do người thuê vận tải hoặc người vận tải thực hiện, nội dung tài liệu được biên soạn theo loại và nhóm loại quy định tại Điều 4 của Nghị định 34/2024/NĐ-CP;
- Nội dung huấn luyện bao gồm:
+ Tên hàng nguy hiểm, tính chất nguy hiểm, phân loại và ghi nhãn;
+ Các nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển hàng nguy hiểm;
+ Các nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình bảo quản, xếp dỡ, vận chuyển hàng nguy hiểm;
+ Các quy trình ứng phó sự cố: Sử dụng các phương tiện cứu hộ xử lý sự cố cháy, nổ, rò rỉ, phát tán chất nguy hiểm, sơ cứu người bị nạn trong sự cố, sử dụng, bảo quản, kiểm tra trang thiết bị an toàn, phương tiện, trang thiết bị bảo vệ cá nhân để ứng phó sự cố, quy trình, sơ đồ liên lạc thông báo sự cố, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để huy động nguồn lực để ứng phó, khắc phục sự cố, ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm lan rộng ra môi trường, thu gom chất nguy hiểm bị tràn đổ, khắc phục môi trường sau sự cố.
Hồ sơ huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm bao gồm:
- Nội dung huấn luyện;
- Danh sách người được huấn luyện với các thông tin: Họ tên, ngày tháng năm sinh, chức danh, vị trí làm việc, chữ ký xác nhận tham gia huấn luyện;
- Thông tin về người huấn luyện bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn, chuyên ngành được đào tạo, kinh nghiệm công tác, kèm theo các tài liệu chứng minh;
- Nội dung và kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm;
- Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm của tổ chức, cá nhân.
Như vậy, trên đây là các nội dung về huấn luyện an toàn đối với người vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ hồ sơ huấn luyện trong thời gian 03 năm và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu.
Trân trọng!