08/05/2024 15:51

Nội dung bản án sơ thẩm vụ án bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm

Nội dung bản án sơ thẩm vụ án bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm

Tôi nghe được thông tin vụ án bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã được Tòa án nhân dân TP.HCM công bố. Vậy, tôi có thể xem nội dung bản án ở đâu? Lệ Quyên – TP.HCM

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Nội dung bản án sơ thẩm vụ án bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm

Liên quan đến vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan, ngày 07/5/2024, Tòa án nhân dân TP.HCM đã niêm yết và công bố bản án sơ thẩm trên Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử của TAND TP.HCM.

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hành vi tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; thiếu trách nhiêm gây hậu quả nghiêm trọng của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại ngân hàng SCB

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (viết tắt: Ngân hàng SCB), trụ sở chính tại số 19-25 N, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 26/11/2011, đi vào hoạt động ngày 01/01/2012 theo Quyết định số 2716/QĐ-NHNN và Giấy phép số 283/GP-NHNN ngày 26/11/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (viết tắt: NHNN) trên cơ sở hợp nhất 3 Ngân hàng Thương mại Cổ phần, gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Vốn điều lệ ban đầu thành lập là 10.583.801.040.000 đồng, đến nay có vốn điều lệ là: 15.231.688.100.000 đồng.

Người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị (tùy theo từng thời kỳ), được phép hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực tín dụng và một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm:

- Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị (viết tắt: HĐQT);

- Ban Kiểm soát;

- Ban Tồng giám đốc, các bộ phận tham mưu, giúp việc;

- Các đơn vị kinh doanh. Ngân hàng SCB có 01 Hội sở chính, 50 Chi nhánh và 184 Phòng giao dịch trên cả nước.

Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tập đoàn VTP (viết tắt: Tập đoàn VTP) mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ tại Ban quản trị, Ban điều hành Ngân hàng SCB, nhưng với việc nắm giữ số lượng rất lớn, chiếm gần tuyệt đối cổ phần Ngân hàng SCB (trên 90% ), bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt. Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Ngân hàng này, biến Ngân hàng SCB trở thành công cụ tài chính để Lan tổ chức huy động tiền gửi, chi đạo các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB và tại hệ sinh thái Tập đoàn VTP do Lan làm chủ, sử dụng hàng nghìn cá nhân, pháp nhân để lập hàng nghìn bộ hồ sơ "khống" đứng tên vay vốn tại Ngân hàng SCB để Trương Mỹ Lan rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái mục đích dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Xem chi tiết nội dung vụ án tại: Bản án về tội tham ô tài sản (vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm) số 157/2024/HS-ST 

Xem phụ lục tại đây: https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/PL-TruongMyLan.pdf 

2. Tham ô tài sản bị xử lý hình sự thế nào?

Tội tham ô tài sản có thể được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Theo quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 về tội tham ô tài sản như sau:

- Khung cơ bản: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

+ Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật hình sự 2015 (Các tội phạm về chức vụ), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Khung 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

+ Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

- Khung 3: Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

- Khung 4: Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

- Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội tham ô tài sản có thể bị phạt tù từ 02 năm đến phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
1019

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn