06/10/2023 11:06

Nội dung 07 án lệ ban hành theo Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023

Nội dung 07 án lệ ban hành theo Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023

Được biết Tòa án nhân dân tối cao vừa có Quyết định ban hành thêm 07 án lệ mới. Vậy hiện nay, Việt Nam có bao nhiêu án lệ? “Ngọc Mai-Hồ Chí Minh”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Công bố thêm 07 án lệ theo Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023

 >>Xem thêm: Tổng hợp 70 án lệ đã được công bố ở Việt Nam

Công văn 196/TANDTC-PC: Giải đáp vướng mắc trong công tác xét xử

Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Quyết định 364/QĐ-CA về việc công bố án lệ. 

Quyết định 364/QĐ-CA: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/quyetdinh-cong-bo-7-an-le.pdf

Theo đó, công bố thêm 07 án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, bao gồm:

(1) Án lệ số 64/2023/AL về định khung hình phạt và tình tiết định khung tăng nặng "có tổ chức" trong tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản".

(2) Án lệ số 65/2023/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Mua bán người".

(3) Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh "Mua bán người".

(4) Án lệ số 67/2023/AL về người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung.

(5) Án lệ số 68/2023/AL về quyền nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở của người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

(6) Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh.

(7) Án lệ số 70/2023/AL về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 01/11/2023.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 70 án lệ được áp dụng ở Việt Nam.

2. Nội dung 07 án lệ ban hành theo Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023

Theo Quyết định 364/QĐ-CA thì nội dung 07 án lệ mới được ban hành như sau:

Án lệ số 64/2023/AL về định khung hình phạt và tình định khung tăng nặng "có tổ chức" trong tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản"

Tình huống án lệ 1:

Bị cáo lên kế hoạch, chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội để bắt cóc bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản.

Giải pháp pháp lý 1:

Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản". Tòa án phải căn cứ vào giá trị tài sản bị cáo định chiếm đoạt để định khung hình phạt.

Tình huống án lệ 2:

Trong số các bị cáo có bị cáo là người cầm đầu, khởi xướng, trực tiếp rủi các bị cáo khác tham gia việc bắt giữ bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản, lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác; giữa các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, thực hiện hành vi nhất quán theo sự chỉ đạo của bị cáo cầm đầu.

Giải pháp pháp lý 2:

Trường hợp này, các bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" với tỉnh tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nội dung án lệ: 

[7] Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi bắt giữ, trói, nhốt, đánh anh Lưu Mạnh T nhằm gây áp lực để T phải gọi cho gia đình, người thân chuyển số tiền 150.000.000 đồng mà anh T đã vay của Trần Văn N vào tài khoản của anh T, trả nợ cho N thì anh T mới được thả về. Như vậy, mục đích của chuỗi hành vi bắt giữ, trói, nhất, đánh anh T mà các bị cáo thực hiện là nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T. Việc chị Lưu Thị H (chị họ của anh T) mới chuyển vào tài khoản của anh T 02 lần với tổng số tiền là 15.000.000 đồng và trong tài khoản của anh T có sẵn 23.928.049 đồng nhưng các bị cáo chưa buộc anh T rút số tiền này để đưa cho các bị cáo, không làm thay đổi mục đích chiếm đoạt ban đầu của các bị cáo là 150.000.000 đồng.

[8] Do đó, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 150.000.000 đồng là mục đích chiếm đoạt của các bị cáo từ khi bắt đầu việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T. Các bị cáo phải bị xét xử về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản" với tình tiết định khung hình phạt “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng" được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự."

“[12] Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn N là người khởi xướng; trực tiếp rủ các bị cáo khác (Q, Đ, L, T1, T2) tham gia việc bắt giữ anh Lưu Mạnh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng mà anh T vay của N; trực tiếp chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội như công số 8, dây trói, xịt hơi cay ...; là người lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác từ việc dùng zalo của bị cáo L mạo danh để kết bạn, rủ anh T từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, chọn địa điểm đón anh T (sân bay Nội Bài), phân công L đi đón anh T, chọn địa điểm, thời gian để xe taxi chở L và anh T phải tạm dừng dọc đường để xe taxi chở N và đồng bọn tiếp cận, bắt giữ anh T, chọn địa điểm nhất anh T, phân công người trông giữ anh T ... do vậy, N là người tổ chức, cầm đầu, chủ mưu. Các bị cáo khác là người thực hành, giúp sức tích cực cho N trong kế hoạch bắt giữ anh T nhằm gây áp lực để gia đình anh T phải chuyển tiền theo yêu cầu của N vào tài khoản của anh T từ đó chiếm đoạt số tiền này, cấn trừ khoản nợ mà anh T đã vay của N trước đó. Giữa N và các bị cáo khác có sự cấu kết chặt chẽ, các bị cáo khác đều thực hiện nhất quán theo sự chỉ đạo của N. Hành vi bắt giữ, trói, nhất, đánh anh T nhằm chiếm đoạt số tiền 150.000.000 đồng của gia đình anh T của các bị cáo kéo dài từ ngày 12/01/2019 đến ngày 19/01/2019. Do đó, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của phạm tội “có tổ chức" quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự.

[13] Việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo với tình tiết định khung tăng nặng “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng" ở điểm e khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự mà chưa xem xét tình tiết định khung tăng nặng "có tổ chức" như phân tích ở trên là thiếu sót.

[14] Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức " quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, cần được chấp nhận."

Án lệ số 65/2023/AL về truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Mua bán người"

Tình huống án lệ: Bị cáo thông qua trung gian đưa ra lời đề nghị với bị hại về một công việc nên bị hại nhận lời. Sau đó, bị cáo chuyển giao bị hại cho người khác, buộc làm công việc trái ý muốn của bị hại nhằm mục đích kiếm lời.

Giải pháp pháp lý: Bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Mua bán người".

Nội dung án lệ: 

“[9] Do biết được các tàu đánh cả trên địa bàn huyện Đ cần nhiều người đi biển (ngư phủ) nên bị cáo Dương Văn S đã liên kết với đối tượng G tìm người cung cấp cho các chủ tàu để hưởng tiền chênh lệch.

[10] Đối tượng tên G đã đưa lời đề nghị cần lao động làm lơ xe với mức lương cao nên các anh D, T và M nhận lời. Khi nhận được các bị hại, đối tượng G chở xuống giao cho bị cáo S và nhận số tiền 9.000.000 đồng. Bị cáo S đã chỉ đạo đồng bọn là các bị cáo K, T1 và C thay phiên canh giữ để bị cáo tìm tàu đánh bắt giao lại lấy tiền chênh lệch.

[11] Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là rất nguy hiểm cho xã hội. đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, các bị cáo nhận thức được việc mua bán người là vi phạm pháp luật, nhưng vì tư lợi cá nhân và lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại nên các bị cáo đã thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Các bị cáo là người đủ năng lực pháp luật chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà mình gây ra."

Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh "Mua bán người"

Tình huống án lệ: Bị cáo có hành vi lừa gạt, hứa hẹn về lợi ích với bị hại làm cho bị hại tin tưởng và tự nguyện theo bị cáo ra nước ngoài

Giải pháp pháp lý: Tòa án phải xác định tội danh của bị cáo là tội "Mua bán người" mà không phải tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép"

Nội dung án lệ: 

"[3] ... H và C có động cơ, mục đích là đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc giao cho T để T gả bản cho đàn ông Trung Quốc làm vợ và được nhận tiền; H và C không có chức năng môi giới trong việc lấy chồng người nước ngoài, H và C không có ý thức đưa người trốn đi nước ngoài và trong vụ án này thì bị hại là chị N1 được các bị cáo C, H coi như một vật trao đổi để lấy tiền.

[5]... giữa H và C có sự bàn bạc về việc đưa phụ nữ sang Trung Quốc bản kiểm lỗi, C biết chị N1 không có đủ giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn đưa chị Ni sang Trung Quốc, giao cho người khác để nhận tiền. C trình bày trước đây làm giúp việc ở Macau nhưng chỉ ở trong nhà, không biết đường đi lối lại ở Trung Quốc nhưng vẫn nói với chị Ni rằng lấy chồng Trung Quốc sung sướng để dụ dỗ, lừa chị N1 đồng ý cho C và H đưa chị Ni đi.

[6] Căn cứ vào hành vi các bị cáo đã thực hiện được mô tả như nêu trên, căn cứ vào hậu quả là chị N1 bị các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C đưa sang Trung Quốc giao cho người đàn ông Trung Quốc để được nhận lợi ích vật chất là tiền. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Mua bán người" theo điểm d khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự và áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo theo khung hình phạt là phù hợp.”

Án lệ số 67/2023/AL về người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung.

Tình huống án lệ: Trong vụ án chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, một bên là người cao tuổi đã tạo lập, quản lý và sử dụng nhà đất ổn định, lâu dài, có nguyện vọng nhận đất và thanh toán giá trị phần tài sản của người còn lại cho người đó. Nhà đẩ không thể chia bằng hiện vật.

Giải pháp pháp lý: Tòa án phải quyết định giao nhà đất cho người cao tuổi và người cao tuổi phải thanh toán giá trị phần tài sản của người còn lại cho người đó.

Nội dung án lệ: 

“[2] Ngày 12/3/2012, tại Văn phòng công chứng M, cụ T và cụ Đ lập đi chúc chung có nội dung cho cháu trai là anh Phạm Ngọc H (là cháu nội của hai cụ) có toàn quyền sử dụng, sang tên khối tài sản nhà đất nêu trên của hai cụ. Sau khi cụ T chết, ngày 26/10/2019, tại Văn phòng công chứng Q, cụ Đ và anh H lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có nội dung anh H được hưởng toàn bộ phần di sản thừa kế của cụ T để lại; cụ Đ và anh H là đồng sở hữu, sử dụng diện tích nhà đất này và được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích 84m, trong đó có 62,7m2 sử dụng riêng (đo thực tế là 66,6m) và 21,3m ngõ đi chung (do thực tế là 22,2m), thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33 mang tên cụ Đ, anh H.

[3] Theo Biên bản xem xét và thẩm định tại chỗ ngày 14/5/2020, thửa đất số 57-2 phần diện tích đất sử dụng riêng có kích thước chiều rộng phía giáp ngõ đi chung là 3,56m; chiều rộng phía sau là 3,67m; trên đất có ngôi nhà 2,5 tầng và nhà cấp 4. Theo Văn bản số 1101/UBND-TTPTQĐ ngày 03/6/2020, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì xác định, thửa số 57-2 bị thu hồi diện tích là 11,2m, diện tích sử dụng còn lại là 55,0m.

[4) Trong quá trình giải quyết vụ án, cụ Đ và anh H đều có nguyện vọng được nhận nhà đất và thanh toán giá trị cho nhau. Tuy nhiên, diện tích nhà đất có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Đ, cụ T tạo lập và hai cụ sinh sống trên đất từ năm 1980, sau khi cụ T chết, cụ Đ vẫn quản lý, sử dụng, thờ cúng cụ T; năm 2016, anh H mới chuyển đến sinh sống cùng cụ Đ và không tạo lập được tài sản nào trên đất. Cụ Đ cho rằng, thực tế cụ và anh H không thể tiếp tục sống chung nhà nên có nguyện vọng được nhận nhà và thanh toán tiền cho anh H; các con của cụ Đ, cụ T là bà Phạm Thị Lan A, bà Phạm Thị Hải Y, bà Phạm Thị T1, bà Phạm Thị T2 đề nghị giao nhà đất cho cụ Đ để cụ có chỗ ở, có nơi thờ cúng cụ T cho đến khi cụ qua đời. Xét thấy cụ Đ đã cao tuổi, sức yếu, có hạn chế trong việc thay đổi, tạo lập chỗ ở khác nên việc giao nhà đất cho cụ Đ sở hữu, sử dụng và cụ Đ thanh toán cho anh H số tiền 1.390.198.415 đồng như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp với nguồn gốc và quá trình hình thành khối tài sản chung. Anh Phạm Ngọc H được hưởng giá trị 1/2 tài sản chung nói trên đủ để tạo lập chỗ ở mới."

Án lệ số 68/2023/AL về quyền nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở của người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tình huống án lệ: Người để lại di sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất chết trước ngày Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực. Tranh chấp về chia thừa kế tài sản được Toà án giải quyết tại thời điểm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật.

Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án áp dụng Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 để giải quyết.

Trường hợp có người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người thừa kế được nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở khi đủ điều kiện nhận nhà ở theo Luật Nhà ở 2014 và di sản có thể phân chia bằng hiện vật.

Nội dung án lệ: 

“[5] ... Như vậy, nếu bà Hồ không được quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng được quyền chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 để xác định bà H1 không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế của bà H1 bao gồm nhà, đất trên diện tích 485,33m cho ông D và ông D thanh toán cho bà Hồ giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng nhà với số tiền 15,822.058.210 đồng là không đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tại thời điểm xét xử phúc thẩm Luật Nhà ở năm 2014 đã có hiệu lực. Theo khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 thì bà Hi đủ điều kiện nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam. Do pháp luật thay đổi nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm và giao toàn bộ hiện vật đối với phần thừa kế cho bà Hi mới đúng."

Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh.

Tình huống án lệ: Người lao động và người sử dụng lao động ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh về việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không được làm công việc tương tự hoặc công việc cạnh tranh với người sử dụng lao động trong thời hạn nhất định, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định tranh chấm về thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh giữa hai bên là thỏa thuận độc lập với hợp đồng lao động, thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại.

Nội dung án lệ:

“[8] ... Bà T cho rằng “Tranh chấp về NDA là tranh chấp sẽ do Tòa án giải quyết”. Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài: Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại".Công ty R là thương nhân, có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại theo Luật Thương mại năm 2005. Do đó, thỏa thuận trọng tài thuộc thẩm quyền giải quyết của VIAC và trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại. Nội dung này đã được Hội đồng trọng tài kết luận tại Phiên họp ngày 19/01/2018 (Phần A, trang 5 và Phần C, trang 6 của phán quyết). Khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ". Trong khi đó, tại Bản tự bảo vệ cũng như trong suốt quá trình tổ tụng trọng tài, bà T không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của Trọng tài mà vẫn tiếp tục tổ tụng trọng tài, vẫn tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp. Như vậy, bà T đã mất quyền phản đối về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài theo quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP. Bên cạnh đó, bà T cho rằng tranh chấp giữa các bên là tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vì NDA là một phần không thể tách rời của các Hợp đồng lao động giữa bà T và Công ty R. Tại đoạn 11 Bản luận cứ đề ngày 18/01/2018 của Luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà T tại VIAC và tại Phiên họp cuối cùng, Luật sư của bà T đã khẳng định lại quan điểm NDA hoàn toàn độc lập với các Hợp đồng lao động giữa Công ty R và bà T. Do đó, Hội đồng xét đơn xác định thỏa thuận NDA là một thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyển của Trọng tài như sự lựa chọn của các bên từ khi ký kết.

Án lệ số 70/2023/AL về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Tình huống án lệ: Người lao động và người sử dụng lao động ký kết HĐLĐ xác định thời hạn. Trong thời hạn hợp đồng, người lao động trúng cử Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhưng việc ứng cử và trúng cử không hợp lệ. Hết thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là đúng.

Nội dung án lệ:

“[3] Tại thời điểm ngày 24/10/2016, khi Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tiến hành Đại hội thì hợp đồng lao động của ông A chỉ còn thời hạn 01 tháng, nhưng ông Á và Công đoàn Khu công nghiệp vẫn đưa ông A vào danh sách bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để bầu là không phù hợp... Do đó, việc ông A trúng cử Chủ tịch Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty K nhiệm kỳ 2016- 2021 và được Công đoàn Khu công nghiệp ban hành Quyết định số 138/QĐCN- CĐKCN ngày 27/10/2016 công nhận là không hợp lệ về tiêu chuẩn người ứng cử, người trúng cử.

[4] Sau khi hết thời hạn gia hạn hợp đồng lao động, Công ty K ban hành Quyết định số 05/2016/QĐNV-KD ngày 25/11/2016 chấm dứt hợp đồng lao động với ông A là đúng quy định tại khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Do đó, việc ông A khởi kiện cho rằng việc Công ty K ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông trái pháp luật là không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A là không đúng quy định của pháp luật.”

Bùi Thị Như Ý
2593

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn