21/05/2024 10:34

Nội dung 02 án lệ ban hành theo Quyết định 119A/QĐ-CA năm 2024

Nội dung 02 án lệ ban hành theo Quyết định 119A/QĐ-CA năm 2024

Tôi nghe thông tin vừa có thêm 02 án lệ mới. Vậy nội dung của 02 án lệ này là gì? Việt Nam có tổng bao nhiêu án lệ? Ngọc Nữ - Phú Yên

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Công bố thêm 02 án lệ theo Quyết định 119A/QĐ-CA năm 2024

Ngày 15/5/2024, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định 119A/QĐ-CA về việc công bố án lệ mới. Trong đó, công bố thêm 02 án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.

02 án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, bao gồm:

- Án lệ số 71/2024/AL về việc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

- Án lệ số 72/2024/AL về xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trong trường hợp di chúc không thể hiện điện tích đất cụ thể.

Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ: Các Tòa án nhân dân và Toà án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 15/6/2024.

Như vậy, từ ngày 15/6/2024 sẽ có thêm 2 án lệ mới được áp dụng, nâng tổng số án lệ tại Việt Nam lên 72 án lệ.

2. Nội dung 02 án lệ ban hành theo Quyết định 119A/QĐ-CA năm 2024

Theo đó, nội dung 02 án lệ được ban hành kèm theo Quyết định 119A/QĐ-CA như sau:

Án lệ số 71/2024/AL về việc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Tình huống án lệ:

Tranh chấp quyền sử dụng đất đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguyên đơn tiếp tục khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất đó và yêu cầu hủy quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguyên đơn không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp.

Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Nội dung án lệ:

[3] Ngày 21/11/2000, Ủy ban nhân dân huyện N có Quyết định giải quyết khiếu nại số 1627/QĐ.CT.UBH, bác đơn khiếu nại của ông T về việc đòi lại diện tích đất 2.152,15m mà ông T đã viết giấy cho bà C ngày 08/12/1987. Không đồng ý với Quyết định này, ông T tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ. Ngày 19/12/2001, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ có Quyết định giải quyết khiếu nại số 4835/QĐ.CT.UBT, với nội dung: Công nhận quyết định số 1627/QĐ.CT.UBH ngày 21/11/2000 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện N về việc giải quyết khiếu nại của ông T và bà C là đúng với quy định của pháp luật; bác đơn khiếu nại của ông T.

[4] Như vậy, diện tích đất bà H tranh chấp với bà C đã được giải quyết tại Quyết định số 4835/QĐ.CT.UBT ngày 19/12/2001 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đ có hiệu lực thi hành.

[6] Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là đúng, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 55/2018/QĐST-DS ngày 31/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật là không có cơ sở.

Án lệ số 72/2024/AL về xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trong trường hợp di chúc không thể hiện diện tích đất cụ thể

Tình huống án lệ:

Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được định đoạt theo di chúc hợp pháp, nội dung di chúc có xác định tứ cận nhưng không thể hiện diện tích đất cụ thể và không có tranh chấp về tứ cận.

Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được xác định theo diện tích đất đo đạc thực tế tứ cận thể hiện trong di chúc.

Nội dung án lệ:

[4] Theo Tờ di chúc đề ngày 16/5/1998, cụ M1 và cụ B1 cho bà G diện tích đất là 15 công tầm lớn. Mặc dù di chúc không ghi diện tích đất cụ thể, chỉ ghi là 15 công tầm lớn nhưng có nêu tứ cận của khu đất: Mặt tiền giáp Kênh C, Đông (hậu) giáp N, Bắc giáp L, Tây giáp Q. Như vậy, phần đất bà G được cha, mẹ cho là đất có khuôn viên, xung quanh tiếp giáp với kênh Công Nghiệp và đất của các hộ dân khác, hiện nay không có tranh chấp về tứ cận. Sau khi cụ M1  chết,  tại  Biên  bản  họp  gia  đình  ngày  15/6/2004  và  Tờ  di  chúc  ngày 09/9/2006 cụ B1 đã thể hiện ý chí cho bà G toàn bộ diện tích 32.500m2  đất, điều này phù hợp với việc năm 1998 vợ chồng cụ M1, cụ B1 lập di chúc cho bà G đất theo khuôn viên.

[5] Tờ di chúc đề ngày 16/5/1998 do cụ M1 và cụ B1 lập có chữ ký của các con (trong đó có ông U) và xác nhận của chính quyền địa phương; Biên bản họp gia đình ngày 15/6/2004, có chữ ký của các con (không có chữ ký của ông U) và xác nhận của chính quyền địa phương, Tờ di chúc đề ngày 09/09/2006 có xác nhận của chính quyền địa phương thể hiện tại thời điểm lập di chúc và họp gia đình các con của cụ M1, cụ B1 không ai có ý kiến phản đối việc hai cụ cho bà G toàn bộ phần đất tranh chấp, đều xác nhận do bà G sống chung với cha mẹ từ nhỏ nên cha, mẹ và các anh chị em thống nhất cho bà G quản lý đất để thờ phụng cha, mẹ. Riêng ông U cho rằng ông U được cụ M1, cụ B1 tặng cho đất từ năm 1998 nên ngày 15/11/2000, ông U được Ủy ban nhân dân huyện C cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông U không xuất trình được chứng cứ chứng minh có việc cha mẹ tặng cho đất.

[8] Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào nội dung của di chúc, biên bản họp gia đình, lời khai của các con cụ M1, cụ B1 và quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục từ năm 1998 của bà G cũng như việc kê khai, đăng ký đất từ đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà G, công nhận bà G được hưởng thừa kế đối với phần đất là di sản của cụ M1, cụ B1 là có căn cứ.

Nguyễn Ngọc Trầm
740

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]