28/03/2024 15:42

Nơi cư trú của người chưa thành niên được xác định như thế nào?

Nơi cư trú của người chưa thành niên được xác định như thế nào?

Xin cho tôi hỏi: Nơi cư trú đối với người chưa thành niên được xác định như thế nào, đăng ký thường trú cho người chưa thành niên có cần cha, mẹ đồng ý không? “chị Phúc - Gia Lai”

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên được xác định như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú 2020 quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên như sau:

Điều 12. Nơi cư trú của người chưa thành niên

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác, với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Ngoài ra, căn cứ Điều 11 Luật Cư trú 2020 quy định về nơi cư trú của công dân như sau:

Điều 11. Nơi cư trú của công dân

1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

Như vậy, nơi cư trú của người chưa thành niên được xác định như sau:

- Là nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại của cha, mẹ theo quy định;

- Nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên được xác định là nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống;

- Trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú được xác định theo nơi do cha, mẹ thỏa thuận;

- Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú xác định theo quyết định của Tòa án.

Lưu ý: Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Người chưa thành niên có cần sự đồng ý của cha mẹ khi đăng ký thường trú không?

Căn cứ khoản 7 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định về đăng ký thường trú của người chưa thành niên như sau:

Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú

...

7. Việc đăng ký thường trú của người chưa thành niên phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.

...

Như vậy, việc đăng ký thường trú cho người chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên. Trường hợp Tòa án quyết định nơi thường trú của người chưa thành niên thì không cần có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

3. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên là ai?

Căn cứ Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên như sau:

Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Như vậy, người chưa thành niên thuộc trường hợp cần có người giám hộ theo quy định thì người giám hộ đương nhiên được xác định như sau:

- Là anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả, nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

- Trường hợp không có anh, chị đủ điều kiện làm người giám hộ thì người giám hộ là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số những người này làm người giám hộ.

- Trường hợp không có anh, chị, ông, bà đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Trân trọng!

Trần Thị Ngọc Huyền
66

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn