19/10/2022 16:29

NLĐ đã nghỉ hưu, đi làm có được ký HĐLĐ và đóng BHXH không?

NLĐ đã nghỉ hưu, đi làm có được ký HĐLĐ và đóng BHXH không?

Bố tôi năm nay 63 tuổi đã được nghỉ hưu nhưng bố tôi muốn tiếp tục đi làm. Vậy bố tôi có được ký hợp đồng lao động và có cần tiếp tục đóng BHXH không? Xin cảm ơn!"_ Hoài Nam (Hà Nam)

Chào anh, đối với yêu cầu của anh Ban biên tập gửi đến anh một số thông tin sau: 

Theo Điều 148 và Điều 149 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về người lao động cao tuổi và sử dụng người lao động cao tuổi như sau:

1. Quy định về sử dụng người cao tuổi

Điều 148. Người lao động cao tuổi

1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.

2. Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.

3. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Điều 149. Sử dụng người lao động cao tuổi

1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

Theo đó, người lao động tiếp tục đi làm sau độ tuổi nghỉ hưu sẽ được xếp vào nhóm người lao động cao tuổi. Người lao động và người sử dụng lao động phải có thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn. Vì vậy, khi đã nghỉ hưu, người lao động tiếp tục đi làm vẫn sẽ được ký hợp đồng lao động bình thường.  

Đồng thời, Nhà nước khuyến khích sử dụng nguồn lao động cao tuổi tiếp tục làm việc nhằm tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực, kèm theo đó nhóm người lao động cao tuổi sẽ được pháp luật ưu tiên một số đặc quyền như sau:

- Không phải làm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

- Được thỏa thuận về việc rút ngắn giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian để đảm bảo quyền lao động và phù hợp với tình trạng sức khỏe.

- Ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi còn được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

2. Người nghỉ hưu đi làm có phải đóng BHXH không?

Theo khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như sau:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);”

Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì phải đóng xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, theo khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

“ Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.”

Vì vậy, người lao động đang hưởng lương hưu thì không phải đóng BHXH bắt buộc.

Ngoài ra theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

“ Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”

Vậy, tuy không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc, người lao động cao tuổi ngoài nhận tiền lương được trả theo công việc, thì còn được doanh nghiệp chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và được chuyển cùng lúc với kỳ trả lương.

Trân trọng!

Lê Huy
33157

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn