26/09/2024 11:12

NLĐ có được thanh toán lương tháng 13 nếu bị công ty cho nghỉ việc không?

NLĐ có được thanh toán lương tháng 13 nếu bị công ty cho nghỉ việc không?

Lương tháng 13 là một khoản thưởng mà nhiều công ty chi trả cho người lao động vào cuối năm. Đây được xem như một hình thức ghi nhận, động viên và chia sẻ thành quả kinh doanh với người lao động. Tuy nhiên trong trường hợp người lao động bị công ty cho nghỉ việc thì có được thanh toán tiền lương tháng 13 hay không?

NLĐ có được thanh toán lương tháng 13 nếu bị công ty cho nghỉ việc không?

Tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tiền thưởng như sau:

Thưởng

1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Theo đó, ta có thể hiểu rằng lương tháng 13 là một khoản tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà công ty thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng lương tháng 13 sẽ do công ty quyết định và được công bố công khai tại nơi làm việc.

Thông thường lương tháng 13 sẽ được công ty thưởng cho người lao động vào dịp cuối năm, dịp Tết dương lịch hoặc Tết Nguyên đán, tùy thuộc vào quy định của từng công ty và thỏa thuận với người lao động. Tuy nhiên vì hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc công ty phải trả tiền thưởng cho người lao động, cho nên việc có được thanh toán lương tháng 13 hay không sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa công ty với người lao động và quy chế của công ty.

Vì vậy nếu hợp hợp đồng lao động hoặc nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể của công ty có quy định về việc thanh toán lương tháng 13 trong trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thì người lao động sẽ được thanh toán lương tháng 13 khi công ty cho nghỉ việc. Ngược lại nếu không có quy định về nội dung nêu trên thì người lao động sẽ không được thanh toán lương tháng 13.

Bản án thực tiễn về tranh chấp lao động đòi bồi thường thiệt hại (bao gồm tiền lương tháng 13) khi bị công ty cho nghỉ việc

Tham khảo tình huống tại Bản án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại số 12/2023/LĐ-PT do Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử như sau:

Theo hồ sơ sơ thẩm, nguyên đơn là anh Võ Phụng T có đại diện theo ủy quyền là anh Nguyễn Văn Tr trình bày như sau:

"Anh T vào làm việc tại Công ty TNHH EW VN từ tháng 9/2020. Ngày 31/12/2020 hai bên ký hợp đồng lao động, công việc của anh T là công nhân sản xuất hàng trắng bị liệu (cắt ván), mức lương 5.723.000đ/tháng (năm triệu bảy trăm hai mươi ba nghìn đồng).

Ngày 21/7/2021 anh T bị tạm ngừng công việc. Lý do Công ty thông báo miệng là do dịch COVID-19, nên chỉ có 30% công nhân được ở lại làm, còn lại phải tạm ngưng, trong số này có anh T.

Khoảng ngày 30/9/2021 hoặc ngày 01/10/2021, Công ty EW gọi điện cho anh T và những người tạm ngừng việc trong tháng 7 đi làm, anh T đến Công ty thì bảo vệ không cho vào và nói rằng Giám đốc đã cho anh T nghỉ việc, yêu cầu anh T tự viết đơn xin thôi việc hoặc đi làm công ty khác, nên anh T đã đi về. Đến ngày 05/11/2021, anh T nhờ Luật sư Nguyễn Văn Tr lên gặp ông Dương Thượng X nói chuyện, ông X cam kết sẽ cho anh T làm lại vào ngày 10/11/2021. Đến ngày này anh T đi làm, Công ty yêu cầu anh T làm công việc khác như cắt cỏ, chùi vệ sinh phòng ốc ở bộ phận khác, anh T không thể làm vì không đúng hợp đồng và không đúng chuyên môn. Việc điều chuyển vị trí công việc do Công ty tự ý làm, không có sự thỏa thuận giữa hai bên. Công ty buộc anh T phải về nếu không làm công việc mới, nên anh T phải về. Sau đó anh T nhờ Luật sự Tr gọi điện cho Công ty xin làm công việc cũ, nhưng Công ty vẫn giữ nguyên ý kiến, nếu anh T muốn đi làm lại thì phải làm việc khác".

Do đó, anh T khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH EW VN phải thanh toán các khoản tính đến ngày xét xử sơ thẩm (25/4/2023), trong đó bao gồm tiền lương tháng 13 của năm 2021 và năm 2022 với số tiền đòi bồi thường là: 11.446.000 đồng.

Tại Bản án số 01/2023/LĐ-ST ngày 25/4/2023 Tòa án nhân dân thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã ra quyêt định về yêu cầu của anh T đối với khoản lương tháng 13 như sau:

"Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương tháng 13, tiền phép năm".

Nguyên đơn đã làm đơn kháng cáo gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, theo đó Tòa án đã nhận định về về yêu cầu bị đơn trả tiền lương tháng 13 của năm 2021 và năm 2022 của nguyên đơn như sau:

"Hiện nay pháp luật không quy định về tiền lương tháng 13, mà được hiểu là 01 khoản tiền thưởng mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động. Do tiền lương tháng 13 không phải là khoản tiền bắt buộc và cũng không được thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký giữa nguyên đơn với bị đơn, không được ghi nhận trong Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể của Công ty, nên cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là có căn cứ".

Tại phiên tòa, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định: "Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tiền lương tháng 13; tiền phép năm".

Như vậy, qua nội dung của Bản án nêu trên thì ta có thể thấy rằng trong trường hợp người lao động bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà tiền lương tháng 13 không được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, không được ghi nhận trong Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể thì có thể không được thanh toán tiền lương tháng 13.

Vì vậy người lao động nên tìm hiểu thật kỹ về nội dung của hợp đồng lao động và quy chế của công ty trước khi thực hiện giao kết hợp đồng để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân.

Đỗ Minh Hiếu
495

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]