15/04/2022 14:52

Những vướng mắc liên quan đến việc bị cáo rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa hình sự phúc thẩm

Những vướng mắc liên quan đến việc bị cáo rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa hình sự phúc thẩm

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự phúc thẩm có một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc bị cáo rút kháng cáo (rút toàn bộ hoặc rút một phần) trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và trong vụ án còn có các bị cáo khác kháng cáo hoặc còn có kháng nghị của VKSND.

1. Vướng mắc, bất cập

Trong thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự tại Tòa án cấp phúc thẩm, về vấn đề pháp lý nêu trên có hai quan điểm giải quyết khác nhau: (1) Tòa án cấp phúc thẩm ra Thông báo về việc rút kháng cáo của bị cáo; (2) Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo (có đơn xin rút kháng cáo). Việc giải quyết có nhiều bất cập, chưa thống nhất của các Tòa án khi giải quyết các vụ án hình sự tương tự nêu trên dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án và các công tác khác có liên quan của các cơ quan hữu quan.

Một vụ án hình sự phúc thẩm cụ thể như sau: TAND tỉnh X đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Mua bán trái phép chất ma túy”, vụ án có 4 bị cáo (bị cáo: A – hình phạt tử hình, B  - hình phạt tử hình, C – hình phạt tù chung thân, D – hình phạt 20 năm tù) cùng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Sau khi Tòa án tỉnh X chuyển hồ sơ kháng cáo lên TANDCC (theo địa giới hành chính), TANDCCthụ lý để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, có bị D có đơn xin rút kháng cáo để đi chấp hành án. Sau khi nhận được đơn xin rút kháng cáo của bị cáo D, TANDCC tiến hành ra Thông báo về việc rút kháng cáo đối với bị cáo D, mẫu Thông báo về việc rút kháng cáo được sử dụng là Mẫu 49 ban hành kèm theo Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của BLTTHS.

Sau khi TANDCC ban hành Thông báo về việc rút kháng cáo của bị cáo D, TAND tỉnh X vẫn không thể ban hành Quyết định thi hành án đối với bị cáo D vì trong nội dung của Thông báo vẫn không đề cập đến bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật đối với bị cáo D hay chưa? Trong thời gian TANDCC chưa xét xử phúc thẩm, bị cáo D làm đơn khiếu nại gửi cho TAND tỉnh X về việc không ra Quyết định thi hành án đối với bị cáo. TAND tỉnh X có văn bản kiến nghị TANDCC ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo D để ban hành Quyết định thi hành bản án sơ thẩm đối với bị cáo D.

TANDCC cho rằng khi bị cáo D rút kháng cáo, căn cứ Điều 342 BLTTHS năm 2015 chỉ ban hành Thông báo về việc rút kháng cáo đối với bị cáo D là có căn cứ, đúng pháp luật. Đồng thời, TANDCC còn cho rằng trong một vụ án hình sự phúc thẩm không thể vừa có Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm khi giải quyết.

2. Quy định của pháp luật

Điều 342 BLTTHS năm 2015 quy định:

1. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo; Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.

2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.

3. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.

Theo đó, việc bị cáo rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải ban hành Thông báo về việc rút kháng cáo của các bị cáo và gởi cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo biết.

Điều 348 BLTTHS năm 2015 quy định:

1. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút toàn bộ kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

2. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút.

Tại khoản 2 nội dung này thuộc trường hợp vụ án nêu trên, việc rút kháng cáo của bị cáo D thuộc trường hợp không liên quan đến kháng cáo của các bị cáo khác. Do đó, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo D, bản án hình sự sơ thẩm có hiệu lực thi hành đối với bị cáo D. Căn cứ vào đó, TAND tỉnh X ban hành quyết định thi hành án đối với bị cáo D.

Sau khi ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo D, TANDCC đưa ra xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của 3 bị cáo A, B, C. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xem xét hồ sơ vụ án và lời trình bày của các bị cáo, xem xét nội dung công tố của Kiểm sát viên và sau khi nghị án quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh X, giao hồ sơ về cho VKSND tỉnh X giải quyết lại vụ án theo luật định.

Vấn đề đặt ra là quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo D có nội dung “Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật đối với bị cáo D kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”. Quyết định này là của TANDCC ban hành trước khi mở phiên tòa nên không thể mất đi hiệu lực bởi Bản án phúc thẩm của Tòa án cấp cao đối với cùng một vụ án.

Từ những phân tích nêu trên, việc bị cáo rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm ban hành Thông báo về việc rút kháng cáo thì không thể thi hành án, việc Tòa án cấp phúc thẩm ban hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị cáo thì gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án khi Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

3.Kiến nghị

Chúng tôi cho rằng, khi bị cáo rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ ban hành Thông báo về việc rút kháng cáo, trong nội dung Thông báo thể hiện rõ, việc rút kháng cáo của bị cáo này không liên quan đến kháng cáo và kháng nghị khác trong vụ án để Tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định thi hành án đối với bị cáo. Tòa án cấp phúc thẩm không ban hành quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo (có yêu cầu rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm) khi còn có các bị cáo khác kháng cáo hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát, vì khi xét xử phúc thẩm có những nội dung liên quan đến toàn bộ bản án sơ thẩm.

Xin đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLTTHS như sau:

Thứ nhất, bổ sung nội dung quy định tại khoản 2 Điều 342 BLTTHS năm 2015, cụ thể như sau:

2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp vụ án có nhiều kháng cáo, kháng nghị, nếu việc rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phúc thẩm mà không liên quan đến các kháng cáo, kháng nghị khác thì Tòa án cấp phúc thẩm nhận định trong thông báo và ghi nhận phần quyết định của bản án sơ thẩm liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được rút lại có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra thông báo về việc rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.”

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại khoản 2 Điều 348 BLTTHS năm 2015, cụ thể như sau:

2. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị hoặc vụ án có nhiều kháng cáo, kháng nghị mà có trường hợp rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều 342 Bộ luật này, đồng thời xem xét và nhận định việc đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo, kháng nghị đã rút trước khi mở phiên tòa vào bản án phúc thẩm khi xét xử vụ án.

Đồng thời, tác giả kiến nghị TANDTC có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết vụ án hình sự phúc thẩm khi có trường hợp vụ án tương tự như trên. Có như thế, việc áp dụng pháp luật, giải quyết vụ án hình sự của hệ thống TAND mới được đảm bảo đúng quy định và thống nhất.

ThS. THÂN VĂN NHƯỜNG (Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

3258

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn