08/03/2021 11:20

Những vấn đề đặt ra trong điều tra vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện

Những vấn đề đặt ra trong điều tra vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện

Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách hình sự và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự, trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại được quy định trong Bộ luật Hình sự, làm thay đổi tư duy truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện ở Việt Nam, đồng thời tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác quốc tế đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là đối với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Trên cơ sở pháp luật hiện hành, việc điều tra vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện cần chú ý một số vấn đề:

Thứ nhất, theo Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Pháp nhân thương mại trước hết là pháp nhân, tức một tổ chức được thành lập hợp pháp theo quy định pháp luật; có cơ cấu tổ chức (có cơ quan điều hành và các cơ quan khác); có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Thứ hai, pháp nhân thương mại phải là các doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế khác với mục tiêu hoạt động chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Như vậy, trong quá trình điều tra vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện đòi hỏi Cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu, chứng cứ xác định tư cách pháp lý của pháp nhân thương mại. Nếu không xác định đúng tư cách pháp lý của pháp nhân thương mại sẽ dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm sai về chủ thể thực hiện tội phạm.

Thứ ba, điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại. Khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xác định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS khi thoả mãn đồng thời bốn điều kiện là: (1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; (4) Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Các điều kiện trên cũng chính là tiêu chuẩn để xác định hành vi của pháp nhân và một hành vi phạm tội phải thoả mãn bốn điều kiện trên thì hành vi đó mới là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Những điều kiện đó đặt ra yêu cầu đối với Cơ quan điều tra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để xác định sự thoả mãn đồng thời của bốn điều kiện nêu trên.

Thứ , phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại. Theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 thuộc Bộ luật Hình sự, thuộc ba nhóm tội phạm là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Các tội phạm này tương ứng với các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của pháp nhân thương mại và các lĩnh vực phạm tội phổ biến do pháp nhân thương mại thực hiện trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do vậy, cần nghiên cứu, đánh giá, xác định hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại trong sự đối chiếu với các hành vi khách quan được mô tả trong 33 tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Thứ năm, tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân”. TNHS của pháp nhân thương mại không thay thế, làm loại bỏ hoặc ảnh hưởng đến việc truy cứu TNHS đối với cá nhân. Như vậy, không được coi việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại về hành vi phạm tội là để thay thế cho việc truy cứu TNHS đối với cá nhân về hành vi phạm tội đó mà cá nhân phải đồng chịu trách nhiệm với TNHS về hành vi phạm tội, việc điều tra hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại không đồng nhất với điều tra hành vi phạm tội của cá nhân.

Thứ sáu, về người tham gia tố tụng hình sự khi pháp nhân thương mại bị truy cứu TNHS. Theo quy định tại Điều 434 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, mọi hoạt động tố tụng hình sự của pháp nhân thương mại bị truy cứu TNHS được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại bị truy cứu TNHS được quy định tại Điều 435 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong đó người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt theo giấy triệu tập, trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ra quyết định dẫn giải. Trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra cần chủ động xác định, đảm bảo các quyền, nghĩa vụ và tiến hành các hoạt động tố tụng đối với của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại.

Thứ bảy, những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân thương mại bị buộc tội. Theo quy định tại Điều 441, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra cần xác định: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc TNHS của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự; Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân; Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra; Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt; Nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến các tình tiết giảm nhẹ TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội) và  các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng TNHS (Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội; Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm).

Thứ tám, về các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng đối pháp nhân thương mại bị truy cứu TNHS. Theo quy định tại Điều 436 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bao gồm: (1) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (2) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (3) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; (4) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế nêu trên không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Từ đó, đòi hỏi Cơ quan điều tra căn cứ tình hình thực tiễn áp dụng kịp thời, chính xác biện pháp cưỡng chế đảm bảo quá trình điều tra diễn ra thuận lợi.

Tính đến thời điểm hiện nay, nước ta có 01 vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện được xét xử theo Điều 226 Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp[1]. Dưới phương diện lý luận cũng như thực tiễn, điều tra vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện xuất hiện một số vấn đề vướng mắc gây cản trở quá trình tiến hành tố tụng như: phân định TNHS giữa cá nhân với pháp nhân thương mại, xác định yếu tố lỗi, đồng phạm của pháp nhân thương mại, cơ quan tiến hành giám định sở hữu trí tuệ… Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức điều tra vụ án, về cơ bản theo chúng tôi cần tập trung vào các giải pháp cụ thể sau đây:

Một là, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, từng bước tháo gỡ những phát sinh trong quá trình áp dụng, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc trong điều tra các vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện. Hiện nay, liên quan đến 33 loại tội pháp nhân thương mại có thể vi phạm, chỉ có Điều 244 tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm và Điều 324 tội rửa tiền có Nghị quyết hướng dẫn còn các loại tội mới vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn trong xử lý. Đồng thời, cần hướng dẫn áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại bị truy cứu TNHS, hướng dẫn vấn đề thời hiệu truy cứu TNHS nếu theo quy định tại Điều 9 và  Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì các tội do pháp nhân thương mại thực hiện đều là tội phạm ít nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại là 05 năm, các trường hợp khi pháp nhân thương mại phạm tội nhưng đã giải thể, tách, nhập…

Hai là, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm của điều tra viên. Không khó để chúng ta có thể thống nhất trong nhận thức, quyết định tới chất lượng và hiệu quả điều tra vụ án hình sự là nhân tố con người, trong đó điều tra viên đóng vai trò trung tâm, then chốt. Khi có được đội ngũ điều tra viên có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, có trình độ pháp luật, nghiệp vụ cao, có sự hiểu biết cần thiết về các lĩnh vực tri thức liên ngành khác, có thể chất tốt, thì nhất định hoạt động điều tra vụ án hình sự sẽ cho kết quả tốt. Xuyên suốt trong quá trình công tác, mỗi điều tra viên phải luôn quá triệt tinh thần tự học, học để hoàn thiện nâng cao trình độ bản thân, sửa chữa những lệch lạc, hạn chế, yếu kém, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng và phẩm chất cá nhân. Bên cạnh kiến thức nghiệp vụ về điều tra vụ án hình sự, cần đảm bảo hệ thống kiến thức pháp luật vững vàng, đặc biệt là các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động tố tụng như Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015…, các văn bản hướng dẫn thi hành và các biểu mẫu tố tụng hình sự. Điều tra viên cũng cần tự học hỏi, tự trang bị những kiến thức mềm trong quá trình điều tra vụ án như kỹ năng quan sát, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng các phương tiện điện tử…

Ba là, thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong điều tra vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện và điều tra các vụ án hình sự về 33 loại tội phạm pháp nhân thương mại có thể thực hiện. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi diễn ra nhiều vụ án hình sự phức tạp nhất là các vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế, lĩnh vực môi trường. Đối với nhóm tội phạm về môi trường việc phát hiện tội phạm thường không nhanh, có thể kéo dài 1 - 2 năm; việc thu thập dữ liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn bởi các mẫu phân tích có thể thay đổi vào các thời điểm khác nhau; việc thu thập và bảo quản chứng cứ có nhiều phức tạp bởi có chứng cứ phải bảo quản, có chứng cứ buộc phải thả ngay như động vật hoang dã… Trên cơ sơ kết, tổng kết đánh giá tổng thể công tác điều tra các vụ án hình sự, cần nhanh chóng xác định các vụ án nào có tính điểm, có nhiều điểm mới để tiến hành phổ biến kinh nghiệm trong các Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an.

Bốn là, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của điều tra viên. Hiệu quả của hoạt động điều tra vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện chủ yếu thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế, tội phạm môi trường nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện khoa học - kỹ thuật đảm bảo cho hoạt động điều tra. Theo đó, cần tiếp tục đầu tư, bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho hoạt động điều tra các vụ án hình sự do pháp nhân thương mại thực hiện. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao trình độ, năng lực trong sử dụng các phương tiện kỹ thuật liên quan đến công tác điều tra cho điều tra viên.

Năm là, chú trọng ký Quy chế phối hợp giữa lực lượng chuyên trách với các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế và môi trường ở trung ương và địa phương liên quan đến phòng ngừa pháp nhân thương mại phạm tội. Trong nội dung Quy chế phối hợp cần lưu ý nhấn mạnh hoặc bổ sung những vấn đề có liên quan quan đến phòng, chống pháp nhân thương mại phạm tội, qua đó không chỉ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm; mà còn tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống pháp nhân thương mại phạm tội trong thời gian tới./.

ThS. Nguyễn Thị Hạnh Quyên & ThS. Hoàng Thịnh-Khoa Pháp luật, Học viện Chính trị Công an nhân dân

Nguồn: Tạp chí Dân chủ & Pháp luật

4178

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn