Tại Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) đã quy định những căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Trong đó khoản 4 của điều luật này đã quy định rất cụ thể “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án chưa đúng căn cứ pháp lý.
Điển hình vụ án tranh chấp “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” sau:
* Nội dung vụ án:
Cụ N. (chết năm 1965) và cụ H. (chết năm 1993) là cha mẹ của ông H. (nguyên đơn), bà A. (bị đơn), sau khi chết có để lại căn nhà và các phần đất gồm đất lúa diện tích 7.700m2, đất vườn diện tích 3.500m2. Hai cụ có 2 người con là ông H. và bà A., từ nhỏ cả hai sống chung với cụ H., năm 1976 bà A. có gia đình đến năm 1979 bà A. về bên chồng sinh sống.
Sau khi cụ H. qua đời, năm 1993 ông H. lập gia đình và sống bên vợ nên ông H. giao nhà, đất cho bà A. quản lý cánh tác (không có giấy tờ gì). Năm 1995 ông H. về phần đất lúa cất nhà thô sơ để ở cùng vợ và các con của ông và cùng làm ruộng với bà A. Năm 1999, bà A. thỏa thuận với ông H. về chỗ ở mới phần diện tích 1.700m2 (trong phần đất lúa 7.700m2) ông đã san lắp cất nhà để ở; lúc này bà A. chuyển nhượng cho ông T. diện tích 3.000m2, phần còn lại 4.700m2 (trong phần đất này của ông H. 1.700m2, phần đất còn lại là 3.000m2 bà A. hoán đổi với ông T. (là người mua đất) cho liền canh, liền cư.
Ông H. cho rằng bà A. chỉ chia cho ông diện tích 1.700m2 (trong đó ông có chuyển nhượng cho ông T. diện tích 500m2, còn 1.200m2 tiếp tục cất nhà ở trên phần đất này cho đến nay (giấy tờ do bà A. đứng tên), giữa ông và bà A. có thỏa thuận sẽ làm thủ tục tách bộ cho ông phần diện tích 1.200m2 nhưng bà A. vẫn không thực hiện. Năm 1999 khi ông kiện đến UBND xã bà A. có hứa sẽ làm thủ tục, nhưng năm 2011 bà A. làm thủ tục chuyển nhượng đất cho bà B. phần diện tích đất trên và hiện đo đạc thực tế là 1.176,8m2. Nay, ông yêu cầu công nhận diện tích 1.176,8m2 đất nói trên cho ông; thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà B.
Bà A. cho rằng nguồn gốc đất như ông H. trình bày, nhưng diện tích đất vườn khoảng 2.000m2 ông H. là con nuôi của cha mẹ bà, năm 1995 ông H. về ở trên phần đất đó cho đến nay, khi hai cụ mất thì bà đi đăng ký đứng tên, lúc hai cụ còn sống đất nói trên chưa được cấp giấy. Nay bà không đồng ý yêu cầu của ông H., bà đã giao giấy tờ cho bà B làm xong.
* Về quá trình thụ lý giải quyết vụ án của Tòa án các cấp:
- Năm 2014, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án và xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H. Sau đó, bà A, bà T. có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
- Năm 2015, Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà A., bà B.
- Năm 2017, giám đốc thẩm đã hủy bản án phúc thẩm; giao hồ sơ về cho Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
- Năm 2018, bản án phúc thẩm dã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2014.
- Tháng 5/2019, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án và có tiến hành các bước theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Trong quá trình tố tụng, ngày 25/12/2020 Tòa án cấp sơ thẩm có Thông báo cho nguyên đơn ông H. nộp tạm ứng chi phí tố tụng nhưng ông H. không nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí định giá.
Ngày 18/1/2021, Tòa án sơ thẩm căn cứ các Điều 48, 218, 219 và khoản 2 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
* Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
- Về công tác kiểm sát lập hồ sơ vụ án: Kiểm sát viên được phân công chưa kiểm sát chặt chẽ đầy đủ, kịp thời về việc lập hồ sơ kiểm sát từ đầu của Tòa án, hoặc ít nhất khi Tòa án có quyết định đình chỉ cần có văn bản mượn ngay hồ sơ của Tòa để tiến hành thực hiện việc kiểm sát những căn cứ đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm có căn cứ không (cần thực hiện theo Điều 12 của Quy chế số 364/QĐ-VKSTC ngày 2/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao).
Vụ án này trước đây đã được thụ lý giải quyết từ năm 2014, đã xét xử qua nhiều cấp đến tháng 7/2017 cấp giám đốc thẩm đã hủy tất cả các bản án đến năm 2019 mới thụ lý lại. Quá trình thực hiện công tác kiểm sát, Kiểm sát viên cần chú ý, thận trọng khi nghiên cứu giải quyết đối với những vụ án đã bị cấp trên hủy nhiều lần (nếu quá trình giải quyết gặp khó khăn, vướng mắc cần trao đổi kịp thời với phòng nghiệp vụ theo quy định).
- Việc kiểm sát quyết định đình chỉ giải quyết vụ án: Chưa được thực hiện tốt (tại Điều 18 về Kiểm sát việc đình chỉ giải quyết vụ án ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 2/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao). Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, cần chú ý khi một trong có bên đương sự có kháng cáo, nội dung của việc kháng cáo, như trong vụ án này ông H. (nguyên đơn) có đơn kháng cáo quyết định đình chỉ, có nêu các lý do của việc đình chỉ là không có căn cứ… thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các căn cứ mà quyết định của Tòa đã nêu so sánh với lý do của việc kháng cáo xem có căn cứ hay không (Quá trình kiểm sát quyết định nói trên không còn thời gian, hoặc phát hiện vi phạm thì cần thông báo ngay cho phòng nghiệp vụ để quyết định theo thẩm quyền). Từ đó sẽ hạn chế nhiều thiếu sót và thực hiện được kết quả của việc kiểm sát tốt các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
- Tính có căn cứ của việc đình chỉ giải quyết vụ án: Ngày 25/12/2020 Tòa án cấp sơ thẩm Thông báo cho nguyên đơn (ông H) về việc nộp tạm ứng chi phí tố tụng, thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận Thông báo. Khi hết thời hạn Thông báo ông H không nộp tiền tạm ứng chi phí đó nhưng không cung cấp cho Tòa án chứng cứ chứng minh việc nguyên đơn (ông H) không nộp chi phí tố tụng là có lý do chính đáng hay không (Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 2017 BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là có căn cứ). Nhưng lý do nguyên đơn (ông H) kháng cáo là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ông bị mất việc làm (do tình hình dịch bệnh có xác nhận của chính quyền địa phương) là tình tiết mới phát sinh trong giai đoạn phúc thẩm.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án này có bà B. (Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) có yêu cầu độc lập như chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét về yêu cầu của bà B. mà tiến hành đình chỉ là chưa có căn cứ. mặt khác, tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS có quy định “Đối với vụ án đã được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm…mà Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác (nếu có);…”; Theo hồ sơ vụ án đã thể hiện vụ án này đã được thi hành án xong (nhưng các bản án đã bị hủy) mà Tòa án cấp sơ thẩm khi thụ lý giải quyết lại chưa giải quyết hậu quả của việc thi hành án là có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như đã nêu trên.
Do đó, quá trình thực hiện các thao tác nghiệp vụ thì Chuyên viên – Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các quy định của BLTTDS, các quy chế nghiệp vụ nhất là hướng dẫn về Quy chế Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 2/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao).
Trên đây là một trong những vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết vụ án, chưa có căn cứ và không đúng với quy định của pháp luật. Nên quá trình thực hiện công tác kiểm sát chuyên viên – Kiểm sát viên làm công tác giải quyết án dân sự cần chú ý và thực hiện tốt các thao tác nghiệp vụ để đạt chất lượng hơn trong thời gian tới./.
Lê Thị Thắm - KSV Trung cấp, Phó Phòng 9, VKSND tỉnh Tiền Giang
Nguồn: Báo Bảo vệ pháp luật