13/12/2024 14:12

Những trường hợp nào bị đình chỉ hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước?

Những trường hợp nào bị đình chỉ hiệu lực giấy phép khai thác tài nguyên nước?

Khi nào giấy phép khai thác tài nguyên nước bị đình chỉ hiệu lực? những trường hợp nào bị thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước?

Khi nào giấy phép khai thác tài nguyên nước bị đình chỉ hiệu lực?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 54/2024/NĐ-CP thì giấy phép khai thác tài nguyên nước sẽ bị đình chỉ hiệu lực khi chủ giấy phép có một trong những vi phạm sau đây:

- Vi phạm nội dung quy định trong giấy phép gây ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước;

- Khai thác nước dưới đất gây sụt, lún mặt đất, biến dạng công trình, xâm nhập mặn, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước;

- Vận hành hồ chứa, đập dâng gây lũ, lụt, ngập úng nhân tạo ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở thượng và hạ du hồ chứa, đập dâng;

- Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

- Lợi dụng giấy phép để tổ chức hoạt động trái quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 54/2024/NĐ-CP thì thời hạn đình chỉ giấy phép khai thác tài nguyên nước là không quá 12 tháng.

Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, chủ giấy phép không có các quyền liên quan đến giấy phép và phải có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Khi hết thời hạn đình chỉ hiệu lực của giấy phép mà cơ quan cấp phép không có quyết định khác thì chủ giấy phép được tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Các trường hợp bị thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước?

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 54/2024/NĐ-CP thì việc thu hồi giấy phép được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Chủ giấy phép bị phát hiện giả mạo tài liệu, kê khai không trung thực các nội dung trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoặc sửa chữa làm sai lệch nội dung của giấy phép;

- Tổ chức là chủ giấy phép bị giải thể hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản; cá nhân là chủ giấy phép bị chết, bị tòa án tuyên bố là đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích;

- Chủ giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép hoặc vi phạm nhiều lần quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 54/2024/NĐ-CP;

- Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;

- Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy phép vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Cơ quan nào có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước?

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 54/2024/NĐ-CP thì thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước được quy định như sau:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp sau:

+ Thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 3.000 m³/ngày đêm trở lên;

+ Khai thác nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 3.000 m³/ngày đêm trở lên;

+ Hồ chứa, đập dâng thủy lợi khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác từ 2 m³/giây trở lên và có dung tích toàn bộ từ 3 triệu m³ trở lên hoặc hồ chứa, đập dâng thủy lợi khai thác nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác từ 5 m³/giây trở lên;

+ Công trình khai thác nước mặt khác hồ chứa, đập dâng thuỷ lợi để cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác nước từ 5 m³/giây trở lên;

+ Hồ chứa, đập dâng thủy lợi không thuộc trường hợp quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 54/2024/NĐ-CP có dung tích toàn bộ từ 20 triệu m³ trở lên;

+ Khai thác nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên;

+ Khai thác nước mặt cho các mục đích khác có quy mô từ 50.000 m³ /ngày đêm trở lên;

+ Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô khai thác từ 1.000.000 m³/ngày đêm trở lên;

+ Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan (trừ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện) có tổng chiều dài hạng mục công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch từ 60m trở lên. Đối với cống ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan có tổng chiều rộng thông nước từ 50m trở lên.

- UBND cấp tỉnh có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước với các trường hợp có quy mô khác với các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 54/2024/NĐ-CP.

Như vậy, chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 54/2024/NĐ-CP thì:

-  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước. 

- UBND cấp tỉnh có thể quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước. 

Nguyễn Thị Bảo Long
28

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]