01/08/2024 16:02

Những lưu ý người đi xe không chính chủ cần phải biết

Những lưu ý người đi xe không chính chủ cần phải biết

Khi nào bị phạt lỗi xe không chính chủ? Lỗi xe không chính chủ phạt bao nhiêu? Cần mang theo giấy tờ gì khi đi xe của người khác?

Đi xe không chính chủ có thể hiểu là tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông (xe máy, ô tô,...) mà tên trên giấy đăng ký xe không phải là tên của người đó. Nói cách khác, người đang sử dụng xe không phải là chủ sở hữu hợp pháp của xe theo quy định của pháp luật.

Dưới đây, là một số lưu ý mà người đi xe không chính chủ cần phải biết.

1. Khi nào bị phạt lỗi xe không chính chủ? 

Nhiều người vẫn còn lầm tưởng việc mượn xe của bạn bè, người thân thì sẽ bị CSGT dừng xe và xử phạt về lỗi xe không chính chủ. Tuy nhiên, lỗi “xe không chính chủ” mà nhiều người vẫn thường dùng thật ra là lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe tại cơ quan có thẩm quyền khi mua xe, được tặng cho, thừa kế xe,...

Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt

  1. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.

Hiện nay, lỗi xe không chính chủ chỉ xử phạt thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc thông qua công tác đăng ký xe. Còn khi CSGT dừng xe để kiểm tra giấy tờ, xử phạt lỗi giao thông thì người dân sẽ không bị kiểm tra về lỗi xe không chính chủ.

Tức là khi mua xe, được tặng cho, thừa kế xe,... mà không làm thủ tục sang tên, sau đó không may liên quan đến một vụ tai nạn giao thông hoặc thông qua công tác đăng ký xe mà cơ quan chức năng phát hiện được bạn chưa làm thủ tục sang tên xe thì bạn sẽ bị phạt lỗi xe không chính chủ

2. Lỗi xe không chính chủ phạt bao nhiêu? 

Trường hợp thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc thông qua công tác đăng ký xe mà phát hiện được lỗi xe không chính chủ thì người vi phạm có thể bị xử phạt như sau: 

- Đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự 

+ Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đối với chủ xe là cá nhân. 

+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đối với chủ xe là tổ chức.

- Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với chủ xe là cá nhân.

+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với chủ xe là tổ chức.

(Điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

3. Cần mang theo giấy tờ gì khi đi xe của người khác? 

Khi mượn xe của người khác để tham gia giao thông (điều khiển xe không chính chủ) mặc dù không bị phạt lỗi xe không chính chủ, tuy nhiên người mượn xe cũng cần phải mang theo đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:

- Giấy đăng ký xe (hay cà vẹt xe) của xe mình đang chạy.

- Giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện (nếu đi xe dưới 50 phân khối thì không cần phải có GPLX)

- Bảo hiểm xe bắt buộc

- Giấy đăng kiểm xe ô tô (nếu có)

-Giấy tờ tùy thân như CMND hoặc CCCD (sau ngày 01/7/2024 có thể sử dụng thẻ căn cước) hoặc hộ chiếu,... để xuất trình khi có yêu cầu

Từ 01/7/2024, khi giấy phép lái xe đã được tích hợp cập nhật trong VNeID thì việc kiểm tra giấy phép lái xe qua VNeID có giá trị như giấy tờ trực tiếp.

4. Quy trình tiến hành kiểm soát của cảnh sát giao thông hiện nay

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Thông tư 32/2023/TT-BCA (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 28/2024/TT-BCA), khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng vào vị trí theo hướng dẫn, cán bộ CSGT được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn và thực hiện như sau:

- Đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xuống phương tiện.

- Thực hiện chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã). Khi tiếp xúc với người có hành vi vi phạm pháp luật, cán bộ Cảnh sát giao thông phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực.

- Thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát; đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông xuất trình các giấy tờ liên quan theo quy định tại mục 1 để kiểm soát như sau:

+ Trường hợp người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện xuất trình thông tin của các giấy tờ đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu;

+ Trường hợp người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện xuất trình bản giấy các giấy tờ thi tiến hành kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó và thực hiện tra cứu thông tin liên quan đến giấy tờ đó trong hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu khác;

+ Thực hiện kiểm soát các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA; đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên, phương tiện giao thông chở người có kích thước tương đương với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ trở lên, phải trực tiếp lên khoang chở người đề thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
295

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]