Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Căn cứ theo Điều 88 Luật Thương mại 2005 thì khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Cũng theo đó tại Điều 92 Luật Thương mại 2005 liệt kê một số hình thức khuyến mại mà thương nhân có thể lựa chọn sao cho phù hợp với mục đích khuyến mại của thương nhân.
Khuyến mại là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại, được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 2005 và một số văn bản pháp luật khác. Vì thế, khi thương nhân tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục đích sinh lợi thì cần lưu ý một số đề sau đây:
Thứ nhất, nếu một thương nhân thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác trên cơ sở hợp đồng, thì hợp đồng đó bắt buộc phải thành lập văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương
Thứ hai, hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại phải là hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp, và trừ các hàng hóa, dịch vụ sau đây: rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người kể cả các loại thuốc đã được phép lưu thông theo quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc) dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng hóa, dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam và các hàng hóa, dịch vụ khác bị cấm khuyến mại theo quy định của pháp luật
Thứ ba, hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể là hàng hoá, dịch vụ mà thương nhân đó đang kinh doanh hoặc hàng hoá, dịch vụ khác
Thứ tư, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ một số hình thức khuyến mại theo quy định pháp luật. (chi tiết tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP)
Thứ năm, tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ một số hình thức khuyến mại theo quy định pháp luật (chi tiết tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP)
Thứ sáu, đối với hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố thương nhân phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng.
Thứ bảy, không thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại (chi tiết tại Điều 100 Luật Thương mại 2005)
Thứ tám, thông báo hoạt động khuyến mại, đăng ký hoạt động khuyến mại theo quy định pháp luật nếu hình thức khuyến mại thuộc trường hợp phải thông báo, đăng ký hoạt động khuyến mại.
Căn cứ theo Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về khuyến mại được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 24 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm về hoạt động khuyến mại.
Bên cạnh đó cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một số hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.