Thứ nhất, hành vi bán khẩu trang y tế, nước rửa tay với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường.
Hành vi này thuộc hành vi được quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Điều 17. Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý
"1.Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
2.Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.”
Thứ hai, Hành vi tích trữ khẩu trang y tế, nước rửa tay để tạo sự khan hiếm giả tạo nhằm thu lợi bất chính. Hành vi này đã trở thành tội phạm của Tội đầu cơ trong Bộ luật hình sự 2015.
Điều 196 Tội đầu cơ
"Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính"
Hình phạt của Tội đầu cơ đối với cá nhân sẽ bị phạt tiền với mức tối thiểu từ 30.000.000 đồng tối đa 5.000.000.000 đồng, hoặc bị phạt tù tối thiểu 06 tháng, tối đa 15 năm, hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Đối với pháp nhân thương mại hình phạt tiền thấp nhất là 300.000.000 đồng, cao nhất là 9.000.000.000 đồng tùy từng trường hợp. Ngoài ra, pháp nhân thương mại có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn.
Thứ ba, đưa tin không đúng về dịch bệnh nCoV trên mạng xã hội.
Trước diễn biến của nạn tin giả, tin sai sự thật, cần có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Nhà nước sẽ xử lý hành vi này theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Điều 5. Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm
"...2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố;..."
Hoặc theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Điều 64. Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp
"...3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;...."
Thứ tư, bán khẩu trang y tế đã qua sử dụng.
+ Gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để bán lại cho tổ chức, cá nhân khác nhưng gian dối là hàng công ty, hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 nếu số tiền chiếm đoạt được từ 2 triệu đồng trở lên. Trường hợp số tiền chiếm đoạt do hành vi gian dối này dưới 2 triệu thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cơ quan chức năng tịch thu tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có.
+ Nếu tổ chức, cá nhân biết rõ loại khẩu trang này đã qua sử dụng, không đảm bảo chất lượng an toàn mà bán cho người khác thì tùy vào hành vi cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Mua bán hàng giả tại Điều 192 hoặc tội Lừa dối người khách hàng tại Điều 198 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
+ Trường hợp các cơ sở bán khẩu trang đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng giả tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Thứ năm, người trong diện cách ly nhưng trốn cách ly, khai báo y tế không trung thực.
Gần đây xảy ra tình trạng một số người trong diện cách ly để phòng ngừa dịch Covid-19 đi khỏi nơi cư trú, cách ly. Theo quy định, người mắc bệnh truyền nhiễm trốn khỏi nơi cách ly sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo Nghị định 176/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:
+ Điều 6 Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm tại Nghị định 176/2013 sẽ bị phạt tiền tối thiểu 200.000 đồng, tối đa 1.000.000 đồng;
+ Điều 10 Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế sẽ bị phạt tiền tối thiểu 2.000.000 đồng và tối đa 10.000.000 đồng;
+ Điều 12 Vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới sẽ bị phạt tiền tối thiểu 1.000.000 đồng, tối đa 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Trên đây chỉ là một số hành vi tiêu biểu. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh đang càng phức tạp, nên chúng ta cần chung tay đẩy lùi dịch bệnh, không nên vì trục lợi cá nhân mà gây ảnh hưởng tới cộng đồng.