12/12/2024 11:40

Những điểm mới nổi bật của Luật Công đoàn 2024

Những điểm mới nổi bật của Luật Công đoàn 2024

Đã ban hành Luật Công đoàn 2024, thay thế Luật Công đoàn 2012 chưa? Luật Công đoàn 2024 có những điểm mới gì?

Mới đây Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn 2024, thay thế Luật Công đoàn 2012. Luật Công đoàn 2024 gồm có 6 Chương, 37 Điều, tăng 4 điều so với Luật hiện hành.

Luật Công đoàn 2024 hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Trong đó, Luật Công đoàn 2024 có một số điểm mới nổi bật, đơn cử như sau:

1. Người lao động nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam

Tại khoản 2 Điều 5 Luật Công đoàn 2024 quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, thì người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.

Đồng thời, Luật Công đoàn 2024 cũng bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành tại Điều 5 Luật Công đoàn 2012 thì chỉ có người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

2. Quy định cụ thể 4 cấp công đoàn trong hệ thống tổ chức công đoàn

Theo đó, Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm 4 cấp quy định lại Điều 8 Luật Công đoàn 2024, gồm:

(1) Cấp trung ương: là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

(2) Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương bao gồm: liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp tỉnh); công đoàn ngành trung ương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

(3) Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm: liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là liên đoàn lao động cấp huyện); công đoàn ngành địa phương; công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty không thuộc trường hợp quy định tại (2); công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

(4) Công đoàn cấp cơ sở bao gồm: công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở.

3. Bổ sung thêm quyền giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn

Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung thêm quyền giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn tại Điều 16 và Điều 17 Luật Công đoàn 2024.

Theo đó, giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động chủ trì giám sát.

Bên cạnh đó, công đoàn cũng có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động

4. Bổ sung thêm quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn

Theo đó, bổ sung thêm quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn tại Điều 30 Luật Công đoàn 2024 như sau:

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn. 

- Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.

Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.

- Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác của Điều 30 Luật Công đoàn 2024.

5. Bổ sung thêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn

Tại Điều 33 Luật Công đoàn 2024, bổ sung thêm trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn định kỳ hai năm một lần.

Bên cạnh đó, định kỳ hai năm một lần, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội cùng thời điểm báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên; thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem thêm: 

Từ 01/07/2025, hoạt động chủ trì giám sát của Công đoàn thực hiện theo các hình thức nào?

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
250

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]