Phạm nhân được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế; được gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án. Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; lao động, học tập, học nghề. Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự…
Điều 27 của Luật Thi hành án hình sự bổ sung các nhóm quyền của phạm nhân, như: Được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật… cụ thể:
– Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm;
– Được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;
– Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
– Được bảo đảm hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;
– Được lao động, học tập, học nghề;
– Được gặp, liên lạc với thân nhân, tiếp xúc lãnh sự;
– Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
– Được yêu cầu trả tự do khi có quyết định trả tự do của người có thẩm quyền;
– Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
– Được hưởng chế độ, chính sách nếu thuộc đối tượng được hưởng: Người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội…
Bên cạnh đó, phạm nhân có nghĩa vụ:
– Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý thi hành án hình sự, thi hành án hình sự;
– Chấp hành nội quy của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ…
Điều 28 quy định như sau: Khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định, trại giam, trại tạm giam, … phải tiếp nhận người chấp hành án phạt tù. Khi tiếp nhận, các cơ quan này phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin, khám sức khỏe cho người chấp hành hình phạt tù.
Đặc biệt, phải kiểm tra cơ thể của người chấp hành hình phạt tù để xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng giam.
Trong đó, những đồ vật không được mang vào buồng giam gồm:
– Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
– Chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược;
– Các chất ma túy và thuốc tân dược có thành phần gây nghiện;
– Rượu, bia và các chất kích thích khác;
– Các đồ dùng có thể dùng làm hung khí như dây lưng, dây điện, dây đàn, đồ làm bằng sành sứ, đá, thủy tinh, phích nước, đồ vật sắc nhọn …;
– Tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý;
– Các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, bằng cấp, chứng chỉ…
– Các loại thiết bị kỹ thuật, điện tử như máy ghi âm, ghi hình, máy nghe nhìn, điện thoại, bộ đàm;
– Tranh, ảnh, phim, băng đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy; các loại bài lá …
Đặc biệt: Việc kiểm tra thân thể nam giới do cán bộ nam thực hiện, thân thể nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và phải kiểm tra tại nơi kín đáo.
Điều 30 về việc giam giữ phạm nhân trong đó quy định có 08 đối tượng có thể được giam giữ riêng, bao gồm:
– Phạm nhân nữ;
– Phạm nhân là người dưới 18 tuổi;
– Phạm nhân là người nước ngoài;
– Phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
– Phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án;
– Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào nhà giam
– Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;
– Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính.
Luật bổ sung Điều 35 quy định về việc phạm nhân được nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, 1 năm dựa trên căn cứ việc thực hiện kết quả thực hiện các tiêu chuẩn thi đua, nội quy cơ sở giam giữ…
Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều luật này.
Tại Điều 37 về thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có quy định về thi hành quyết định tạm đình chỉ trong đó quy định người được tạm đình chỉ có dấu hiệu nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức sẽ được đề nghị trưng cầu giám định pháp y tâm thần:
– Nếu đã phục hồi sức khỏe thì đưa người đó đến nơi chấp hành án và thông báo cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ;
– Nếu chưa phục hồi thì người đó tiếp tục được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
– Nếu bị xác định là mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác là mất khả năng nhận thức thì được đưa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc;
Kinh phí thực hiện giám định sẽ do Cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cấp quân khu chi trả.
Đây là một điểm mới trong Luật Thi hành án hình sự 2019. Trước đây, đối với người được tạm đình chỉ do bị bệnh nặng và khó xác định tình trạng sức khỏe sẽ được trưng cầu giám định y khoa cấp tỉnh, cấp quân khu.
Luật bổ sung Điều 45 quy định về tái hòa nhập cộng đồng. Trại giam, Công an câp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù có thời hạn có điều kiện.
Nội dung tái hòa nhập gồm: Tư vấn tâm lý; định hướng nghề nghiệp; hỗ trợ kinh phí.
Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp đồng thời nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện giúp đỡ những đối tượng này…
Chính phủ sẽ có quy định chi tiết điều luật.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự 2019, phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi vào không quá 02 lần trong 01 tháng bằng đường bưu chính.
Trước đây, phạm nhân chỉ được nhận quà là tiền khi được gặp trực tiếp thân nhân. Tuy nhiên, hiện tại người thân có thể gửi qua đường bưu điện. Lúc này, trại giam, trại tạm giam, … có trách nhiệm tiếp nhận, bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm.
Riêng đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện quản lý và không được sử dụng tiền mà chỉ sử dụng sổ lưu ký để mua lương thực, thực phẩm và các hàng hóa khác (khoản 3 của điều luật).
Trên cơ sở quy định của Điều 66 Bộ luật hình sự 2015 và Điều 368 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật đã bổ sung Mục 3 Chương III gồm 16 điều từ Điều 57 đến Điều 72 để quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện
9. Người bị án treo có thể được rút hết thời hạn thử thách
Tại Điều 89 đã quy định chi tiết về việc rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo. Theo đó, tại khoản 3 đã quy định trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
Đây là một điểm mới nữa được quy định trong Luật Thi hành án hình sự 2019. Luật Thi hành án hình sự cũ chỉ nêu thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo. Về điều kiện được rút ngắn thời hạn thử thách thì được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT/ BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.
Theo đó, người hưởng án treo chỉ được xét rút ngắn thời gian thử thách mỗi năm 01 lần, mỗi lần từ 01 tháng – 01 năm; Có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần nhưng thời gian thực tế chấp hành thử thách phải đã được 3/4 thời gian.
Từ 01/01/2020, theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự đã bổ sung thêm các điều kiện trên cùng với quy định thêm về việc nếu thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn l
Như vậy, Luật mới quy định rất rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.
Luật dành toàn bộ Chương XI gồm 12 điều luật để quy định thi hành án đối với pháp nhân thương mại.Quy định mới này nhằm thống nhất với Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, khi nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của mình và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh.
Trong đó, hồ sơ thi hành án với pháp nhân thương mại gồm:
– Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
– Quyết định thi hành án;
– Giấy triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại;
– Văn bản yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án với pháp nhân thương mại;
– Thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước gửi đến cơ quan thi hành án hình sự về thực hiện yêu cầu trong thi hành án và việc chấp hành của pháp nhân thương mại;
– Báo cáo của pháp nhan thương mại về việc chấp hành án;
– Tài liệu công bố thông tin về thi hành án;
– Biên bản thi hành án;
– Tài liệu cưỡng chế thi hành án (nếu có);
– Tài liệu khác có liên quan…
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án