10/11/2020 07:46

Những bất cập khi hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án

Những bất cập khi hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án

Hoãn chấp hành hình phạt tù là việc chuyển thời điểm người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù sang một thời điểm muộn hơn vì những lý do khách quan. Hay nói cách khác, hoãn chấp hành hình phạt tù được hiểu là việc Tòa án tạm thời chưa quyết định buộc người bị kết án phải chấp hành ngay hình phạt tù, khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS).

Quy định của pháp luật

Thời gian qua, việc hoãn chấp hành hình phạt tù được thực hiện theo BLHS năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (Luật THAHS), Nghị quyết số 01/2007/NQ-HHĐTPNghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (NQ số 02/2007). Qua thực hiện, cơ bản các quy định của Luật, Nghị quyết hướng dẫn thực hiện đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập sau:

Khoản 1 Điều 24 Luật THAHS năm 2019 quy định: “Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết đinh hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan…”. Đến nay, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn về việc hoãn chấp hành án phạt tù, chưa có văn bản nào quy định cụ thể, chi tiết về các trường hợp Tòa án có thể có quyền tự mình ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho người bị kết án. Có chăng thì tại tiểu mục 1.2, mục 1 Phần III Nghị quyết số 02/2007 có quy định: “Trường hợp không có đề nghị bằng văn bản của Viện kiểm sát, cơ quan Công an cùng cấp hoặc người bị kết án, thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án chỉ tự mình xem xét, quyết định cho người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp người thân thích của người bị kết án (cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em…của người bị kết án) hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án  làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú đề nghị bằng văn bản cho người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù”.

Thiết nghĩ, cụm từ “Chánh án Tòa án đã ra quyết định có thể tự mình” được nêu tại Khoản 1 Điều 24 Luật THAHS là chưa chưa rõ ràng, thể hiện:

Thứ nhất: “Chánh án Tòa án đã ra quyết định” có nghĩa là trường hợp người bị kết án mà Chánh án đã ra quyết định thi hành án thì Tòa án có thể tự mình xem xét hoãn chấp hành án. Thế thì đối với trường hợp người bị kết án, Tòa án chưa ra quyết định thi hành án mà người bị kết án hoặc người thân thích của người bị kết án có đơn xin hoãn chấp hành án cho người bị kết án gửi đến Tòa án thì giải quyết thế nào ? Tòa án có thể tự mình xem xét hay không ?

Thứ hai: “Tự mình” được hiểu như thế nào ? Tự mình là trường hợp sau khi có đơn xin hoãn của người bị kết án hoặc người thân thích của người bị kết án thì Tòa án tự mình xem xét, tự làm các thủ tục xác minh, làm rõ lý do, tự hoàn thiện hồ sơ thủ tục để ra quyết định hoãn chấp hành án. Hay, tự mình là khi xét thấy trong hồ sơ vụ án, có tài liệu thể hiện rõ hiện nay người bị kết án bị bệnh nặng không có khả năng đi chấp hành án hay đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi… mà không có khả năng đi chấp hành án đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật thì Tòa án tự mình ra quyết định hoãn chấp hành án đối với người bị kết án.

Thứ ba: Luật chỉ quy định trường hợp người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu nơi người phải chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết đinh hoãn chấp hành án phạt tù. Vậy, đối với người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam thì giải quyết thủ tục hoãn như thế nào, luật không có hướng dẫn rõ.

Vấn đề này, hiện nay Luật quy định không rõ ràng nên dẫn đến các cơ quan pháp luật nhận thức, áp dụng pháp luật khác nhau và xảy ra thực trạng là sau khi Cơ quan thi hành án hình sự nhận được quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án, quá trình theo dõi việc thực hiện quyết định thi hành án, thấy người bị kết án không đi chấp hành án được và có nguyện vọng muốn được hoãn chấp hành án, Cơ quan Thi hành án hình sự lại hướng dẫn người bị kết án làm đơn, gửi đến Tòa án.

Những quan điểm khác nhau

Một ví dụ cụ thể: Ngày 24/12/2019, X bị Tòa án quân sự Quân khu A xử phạt 5 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. X bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 28/01/2020, Tòa án quân sự Quân khu A ra quyết định thi hành án phạt tù gửi cho X, Viện kiểm sát quân sự A, Cơ quan thi hành án hình sự A. Ngày 30/01/2019, X có đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù gửi đến Cơ quan Thi hành án hình sự Quân khu A và Tòa án quân sự Quân khu A. Sau khi nhận đơn xin hoãn chấp hành án, Cơ quan Thi hành án hình sự Quân khu A căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật THAHS có văn bản chuyển đơn xin hoãn của X cho Tòa án quân sự A để giải quyết theo thẩm quyền.

Để giải quyết đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù của người bị kết án X, hiện nay có 02 quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật THAHS, Tòa án quân sự A thụ lý đơn, tiến hành các thủ tục xác minh và yêu cầu người bị kết án cung cấp các tài liệu chứng minh lý do hoãn. Nếu đủ điều kiện theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 67 BLHS và điểm a tiểu mục 7.1 Mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HHĐTP, điểm 2 tiểu mục 1.3 Mục 1 Phần III Nghị quyết số 02/2007/NQHĐTP thì ra Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án X.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng: Trường hợp này, Tòa án quân sự Quân khu A không xem xét đơn mà chuyển đơn cho Cơ quan Thi hành án hình sự A để Cơ quan thi hành án hình sự biết, tiến hành xác minh, làm rõ lý do xin hoãn và hoàn thiện thủ tục đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù cho người bị kết án gửi Tòa án xem xét, giải quyết nếu đủ điều kiện. Bởi 4 lý do sau:

Một là, hiện nay Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật và Tòa án tiến hành các thủ tục gửi quyết định thi hành án kèm theo hồ sơ thi hành án cho Cơ quan Thi hành án hình sự để tổ chức thi hành án theo quy định theo Điều 21, Điều 25 Luật THAHS.

Hai là, trong thi hành án hình sự, Tòa án không có nhiệm vụ thi hành án mà chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn “ra quyết định thi hành án” (quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Thi hành án hình sự).

Ba là, khoản 2 Điều 15 Luật THAHS quy định: “Cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án; hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định”. Mặt khác, điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư số 183/2019/TT-BQP ngày 04/12/2019 của Bộ Quốc phòng quy định tổ chức, bộ máy cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội có quy định: “Cơ quan Thi hành án hình sự Quân khu tổ chức thi hành quyết định thi hành án hình sự của Tòa án quân sự trên địa bàn Quân khu; tiếp nhận, quản lý hồ sơ và tổ chức thi hành đối với những trường hợp  do Cơ quan Thi hành án hình sự khác chuyển đến theo quy định, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ của cơ quan thi hành án hình sự Quân đoàn”. Do vậy, Cơ quan Thi hành án hình sự có trách nhiệm thi hành quyết định thi hành án của Tòa án, trong quá trình thực hiện nếu thấy rằng người bị kết án không đi chấp hành án được vì các lý do khách quan theo quy định tại Điều 67 BLHS thì tiến hành xác minh, yêu cầu người bị kết án hoặc thân nhân người bị kết án cung cấp các tài liệu chứng minh làm sáng tỏ các lý do. Nếu đủ điều kiện, thủ tục, có cơ sở để hoãn chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án thì lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét hoãn chấp hành án phạt tù.

Bốn là, trong mục 2 Quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị kết án đã ghi “Cơ quan thi hành án hình sự Quân khu… chịu trách nhiệm thi hành quyết định này và thông báo cho Tòa án biết”.

Với trường hợp nêu trên, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ: Cơ quan thi hành án hình sự Quân khu phải thụ lý đơn và thông báo cho Tòa án biết, đồng thời với việc đó, nếu xem xét đơn thấy chưa có tài liệu chứng minh lý do xin hoãn thì làm văn bản yêu cầu người bị kết án cung cấp các tài liệu chứng minh. Sau khi, người bị kết án cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh đầy đủ mà xét thấy chưa khách quan hoặc muốn xác định tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp thì Cơ quan thi hành án hình sự tiến hành cử cán bộ làm thủ tục xác minh. Nếu đủ điều kiện được hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS thì lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét hoãn chấp hành án đối với người bị kết án mới phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Thấy rằng, việc Tòa án thụ lý và giải quyết đơn như quan điểm thứ nhất, thì vô tình Tòa án trở thành “Người vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức là Tòa án vừa ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án, vừa thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn trong thi hành án của cơ quan thi hành ánhình sự.

Kiến nghị

Để hạn chế những bất cập đang tồn tại nói trên, đồng thời làm rõ thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan pháp luật trong việc xem xét, giải quyết, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục xem xét hoãn chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án phù hợp với thực tiễn thi hành. Thấy rằng, khoản 1 Điều 24 Luật THAHS năm 2019 cần sửa đổi, bổ sung theo hướng sau:

1.Đối với người bị kết án đang bị tạm giam, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án hoặc chưa ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án có thể xem xét, ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù khi có văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu nơi người người bị kết án đang bị tạm giam.

2.Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại mà Chánh án Tòa án chưa ra quyết định thi hành án, nếu căn cứ vào hồ sơ vụ án, thấy rằng người bị kết án có đủ điều kiện được hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại Điều 67 BLHS thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án có thể tự mình xem xét, ra quyết đinh hoãn chấp hành án phạt tù đối với người bị kết án.

3.Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại mà Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án thì Chánh án Tòa án chỉ xem xét, ra quyết định hoãn chấp hành án khi có văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù của Viện kiểm sát cùng cấp, Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, Cơ quan thi hành án hình sự cấp Quân khu nơi người phải chấp hành án làm việc hoặc cư trú.

Trên đây là một số bất cập khi hoãn chấp hành hình phạt cũng như kiến nghị tôi nêu ra, rất mong ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3638

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn