08/12/2023 18:54

Như thế nào là hàng giả? Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả xử phạt thế nào?

Như thế nào là hàng giả? Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả xử phạt thế nào?

Tôi muối biết như thế nào là hàng giả? Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả xử phạt thế nào?_Bảo Lâm(Hải Dương)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Như thế nào là hàng giả?

Theo quy định tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả gồm: đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, theo quy định trên thì hàng giả là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng, cần phải ngăn chặn và xử lý nghiêm.

2. Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả xử phạt thế nào?

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả sẽ bị xử phạt như sau:

- Đối với hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả quy định tại điểm e khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP:

+ Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng dưới 100 cái, chiếc, tờ hoặc đơn vị tính tương đương (sau đây gọi tắt là đơn vị);

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 500 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 500 đơn vị đến dưới 1.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 1.000 đơn vị đến dưới 2.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 2.000 đơn vị đến dưới 3.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 3.000 đơn vị đến dưới 5.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 5.000 đơn vị đến dưới 10.000 đơn vị;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có số lượng từ 10.000 đơn vị trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thuộc một trong những trường hợp sau đây:

+ Hành vi nhập khẩu tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả;

+ Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, mũ bảo hiểm;

+ Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả của chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, xi măng, sắt thép xây dựng.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a khoản 4 Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP;

+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 1 Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.( Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP)

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc tiêu hủy tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 13 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Như vậy, theo quy định trên thì hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng. Đồng thời, phải tiêu hủy và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
2694

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]