29/08/2022 16:21

Như thế nào là chung sống như vợ chồng?

Như thế nào là chung sống như vợ chồng?

“Tôi thấy hiện nay việc ngoại tình theo rất nhiều phương cách khác nhau như: Mua nhà cho bồ, tuần ghé qua mấy ngày; mua tour du lịch để đi cùng nhau hay đôi khi chỉ là thuê nhà nghỉ mỗi lần gặp...Tôi băn khoăn không biết ngoại tình như thế nào thì được xác định là chung sống như vợ chồng để có thể bị xử lý hình sự. Mong Ban biên tập giải thích giùm tôi, xin cảm ơn!” _ Hoa Mai (Tiền Giang)

Chào chị, đối với nội dung chị yêu cầu Ban biên tập có một số ý kiến sau.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:

“Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.”

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn khái niệm chung sống như vợ chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tuy nhiên chị có thể tham khảo tại mục 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự do Bộ Tư pháp – Bộ Công an – TANDTC – Viện KSNDTC ban hành. Theo đó, chung sống như vợ chồng là:

 “việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.

Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc:

- Có con chung;

- Được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng;

- Có tài sản chung;

- Đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó;

...”

Theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nhà nước nghiêm cấm việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

 Người vi phạm quy định trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.”

Hoặc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”

Nguyễn Sáng
20032

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]