12/04/2024 11:56

Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp là bao lâu?

Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp là bao lâu?

Xin cho tôi hỏi: Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp là bao lâu, đại biểu Hội đồng nhân dân cần đạt các tiêu chuẩn nào? Mong được giải đáp! “chị Mai - Thanh Hóa”

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp là bao lâu?

Căn cứ Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân như sau:

Điều 10. Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân

1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong.

Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

...

Như vậy, nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp mỗi khóa là 05 năm, tính từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.

Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cũng có thể rút ngắn hoặc kéo dài thêm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội được Quốc hội phê duyệt.

Đại biểu Hội đồng nhân dân phải đảm bảo các tiêu chuẩn nào?

Căn cứ Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội như sau:

Điều 7. Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Như vậy, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật;

- Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân diễn ra trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 1 Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 quy định về kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân như sau:

Điều 1. Việc tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền

...

2. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 02 kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định. Số lượng các kỳ họp bất thường, thời điểm tổ chức kỳ họp bất thường theo yêu cầu, nhiệm vụ phát sinh tại địa phương.

Tại kỳ họp bất thường, Hội đồng nhân dân có thể xem xét, quyết định 01 hoặc nhiều nội dung theo thẩm quyền. Việc xem xét, quyết định các vấn đề tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo trình tự, thủ tục như tại kỳ họp thường lệ.

Như vậy, khi phát sinh các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân có tính cấp bách, cần quyết định ngay thì Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định triệu tập kỳ họp bất thường khi có một trong các trường hợp sau:

- Thường trực Hội đồng nhân dân tự mình ra quyết định triệu tập;

- Triệu tập theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp;

- Có ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân quyết định triệu tập kỳ họp bất thường.

Trân trọng!

Trần Thị Ngọc Huyền
1244

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn