28/05/2024 15:00

Nhân viên thử việc nghỉ việc không báo trước có phải bồi thường không?

Nhân viên thử việc nghỉ việc không báo trước có phải bồi thường không?

Cho tôi hỏi trường hợp nhân viên thử việc nghỉ việc không báo trước với công ty thì có bị phạt bồi thường vi phạm hợp đồng không? Bạn Thanh Hoàng (Thái Nguyên).

Thử việc là quá trình doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc thực tế nhằm đưa ra thử thách đối với ứng viên. Thực tế trong quá trình thử việc, nhiều người vì những nguyên nhân khác nhau nên nghỉ việc để tìm một công việc khác phù hợp hơn. Vậy thì khi nghỉ việc không báo trước thì nhân viên thử việc có phải bồi thường hay không, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Nhân viên thử việc nghỉ việc không báo trước có phải bồi thường không?

Tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc kết thúc thời gian thử việc như sau:

Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Như vậy, nhân viên thử việc hoàn toàn có quyền tự ý nghỉ việc không báo trước với công ty. Đồng thời, nếu như nhân viên đó nghỉ việc lúc đang trong thời gian thử việc và vẫn chưa ký hợp đồng lao động chính thức thì không phải bồi thường khi không báo trước.

Đồng nghĩa với việc khi nghỉ việc không báo trước, nhân viên vẫn sẽ được nhận đầy đủ lương trong quá trình thử việc. (Theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 thì lương của nhân viên thử việc phải ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc mà nhân viên đó đang thử việc).

Ngoài ra, quy định trên chỉ ra rằng công ty phải có trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho nhân viên khi kết thúc thời gian thử việc. Nếu nhân viên thử việc đạt yêu cầu thì công ty tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết và ngược lại, nếu không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng.

2. Công ty không trả lương cho nhân viên thử việc nghỉ không báo trước phải chịu mức phạt là bao nhiêu?

Đối với việc không trả lương cho nhân viên thử việc do nghỉ việc không báo trước, công ty sẽ chịu mức phạt căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

- Từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 đến 10 người lao động;

- Từ 20 triệu - 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 đến 50 người lao động;

- Từ 40 triệu - 60 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 đến 100 người lao động;

- Từ 60 triệu - 80 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 đến 300 người lao động;

- Từ 80 triệu - 100 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Bên cạnh đó, cũng theo điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì công ty còn phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

3. Thời gian thử việc tối đa của nhân viên là trong bao lâu?

Công ty và nhân viên có thể thỏa thuận về nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. Một trong số những nội dung mà 2 bên có thể thỏa thuận đó chính là thời gian thử việc.

Do đó, thời gian thử việc tối đa của nhân viên sẽ do 2 bên tự thỏa thuận với nhau tùy thuộc vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc, tuy nhiên chỉ được thử việc một lần đối với 1 công việc cụ thể và phải đảm bảo điều kiện về thời gian theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
244

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn