Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Đấu thầu 2023 về một số trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư bao gồm:
- Tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
- Thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, thời hạn thực hiện dự án đầu tư kinh doanh vì lý do bất khả kháng, làm thay đổi tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu đã phát hành;
- Hồ sơ mời thầu có một hoặc một số nội dung không tuân thủ quy định Luật Đấu thầu 2023, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn không còn đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh;
- Nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023. Đơn cử như hành vi gian lận theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 bao gồm:
+ Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu;
+ Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
- Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Như vậy, nếu nhà đầu tư trúng thầu thực hiện hành vi gian lận như làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ trong đấu thầu thì đó là một trong những trường hợp bắt buộc phải hủy thầu.
Theo Điều 87 Luật Đấu thầu 2023 xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật Đấu thầu 2023 còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 05 năm.
- Thẩm quyền quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu được quy định như sau:
+ Người có thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình;
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương;
+ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ và trên phạm vi toàn quốc.
- Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phải đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Bênh cạnh đó, trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thuộc cùng phạm vi quản lý của người có thẩm quyền và các hành vi này chưa bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu thì người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu với thời gian cấm được xác định bằng tổng thời gian cấm của các hành vi vi phạm nhưng tối đa không quá 05 năm.
Lưu ý: Trường hợp tổ chức, cá nhân bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu không đồng ý với quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu thì có quyền khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. (khoản 8 Điều 125 Nghị định 24/2024/NĐ-CP)
Như vậy, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu sẽ bị xử lý nghiêm bằng các hình thức kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ mức độ vi phạm. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi bị cấm còn có thể bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 5 năm.
Trân trọng!