09/07/2021 15:01

Nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử phải xác định độ tuổi của người phạm tội. Tuổi càng ít thì khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội càng hạn chế; ngay đối với người cùng độ tuổi, không phải người nào cũng có khả năng nhận thức như nhau, người ở thành phố nhận thức khác người ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ văn hóa cao nhận thức khác người có trình độ văn hóa thấp…

Người dưới 18 tuổi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Tuy nhiên, không phải tội nào người dưới 18 tuổi cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự 2015 (28 tội danh), còn người từ đủ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Ví dụ: Tội "Giao cấu" hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ người đủ 18 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này.

Khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, tòa án không chỉ căn cứ vào Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 (căn cứ quyết định hình phạt) mà còn phải căn cứ vào các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII Bộ luật Hình sự 2015 từ Điều 90 đến Điều 104. Các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm những nguyên tắc, những căn cứ để tòa án áp dụng khi xét xử tội phạm lúc người chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội.

Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 07 nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó có nguyên tắc chung, có nguyên tắc miễn trách nhiệm hình sự, có nguyên tắc quyết định hình phạt.

Để bạn đọc tiện theo dõi và so sánh, chúng tôi nêu lại từng nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 và phân tích nội dung các nguyên tắc này.

a) Nguyên tắc việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội (khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015)

Nguyên tắc này không chỉ Bộ luật Hình sự 2015 mới nêu, mà ngay từ Bộ luật Hình sự 1985 đã nêu nhưng trên thực tế không phải lúc nào các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cũng quán triệt nguyên tắc này.

Bảo đảm lợi ích tốt nhất và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội là trong mọi tình huống, mọi trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tạo mọi điều kiện và áp dụng các biện pháp phi trừng trị đối với họ

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử phải xác định độ tuổi của người phạm tội. Tuổi càng ít thì khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội càng hạn chế; ngay đối với người cùng độ tuổi, không phải người nào cũng có khả năng nhận thức như nhau, người ở thành phố nhận thức khác người ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ văn hóa cao nhận thức khác người có trình độ văn hóa thấp…

Nội dung quan trọng của nguyên tắc này còn đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định nguyên nhân và điều kiện khiến người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội.

Yêu cầu của nguyên tắc này là giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi cũng phải thể hiện sao cho bảo đảm việc giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, chứ không nhằm trừng trị. Do đó, ngay từ khi khởi tố, điều tra, cơ quan điều tra không chỉ áp dụng các biện pháp lý có lợi nhất, đồng thời phải quán triệt tinh thần là: Nếu không cần thiết bắt giữ, tạm giữ, tạm giam đối với họ thì không được áp dụng các biện pháp này đối với họ. Mặt khác, phải bảo đảm các quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự đối với họ như phải có người bào chữa ngay từ khi bị bắt; nếu trường hợp buộc phải bắt giữ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sau khi bị bắt, nếu có người bảo lĩnh hoặc thấy việc cho tại ngoại không gây ảnh hưởng cho xã hội thì cương quyết phải cho tại ngoại.

b) Nguyên tắc người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự 2015, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Mục 2 Chương  XII Bộ luật Hình sự 2015 (khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015)

Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 là trường hợp được miễn hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự đối với bất cứ người nào không phân biệt người dưới 18 tuổi hay trên 18 tuổi. Tuy nhiên, đối với người dưới 18 tuổi thì việc miễn trách nhiệm hình sự ngoài các quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Các trường hợp mà người dưới 18 tuổi có thể được miễn trách nhiệm hình sự gồm:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"); Điều 141 (tội "Hiếp dâm"); Điều 171 (tội "Cướp giật tài sản"); Điều 248 (tội "Sản xuất trái phép chất ma túy"); Điều 249 (tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy"); Điều 250 (tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"); Điều 251 (tội "Mua bán trái phép chất ma túy"); Điều 252 (tội "Chiếm đoạt chất ma túy") của Bộ luật Hình sự 2015;

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự 2015, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội "Giết người"); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"); Điều 141 (tội "Hiếp dâm"), Điều 142 (tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi"); Điều 144 (tội "Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi"); Điều 150 (tội "Mua bán người"); Điều 151 (tội "Mua bán người dưới 16 tuổi"); Điều 168 (tội "Cướp tài sản"); Điều 171 (tội "Cướp giật tài sản"); Điều 248 (tội "Sản xuất trái phép chất ma túy"); Điều 249 (tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy"); Điều 250 (tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy"); Điều 251 (tội "Mua bán trái phép chất ma túy"); Điều 252 (tội "Chiếm đoạt chất ma túy") của Bộ luật Hình sự 2015;

- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.

c) Nguyên tắc việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm (khoản 3 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015)

Đây là nguyên tắc đã được quy định từ Bộ luật Hình sự năm 1985 nhưng trên thực tế ít được các cơ quan tiến hành tố tụng quán triệt đầy đủ. Một mặt do nhận thức, mặt khác do không có hướng dẫn cụ thể và tình hình tội phạm đối với người dưới 18 tuổi thực hiện ngày một gia tăng ở nước ta nên nguyên tắc này phần nào bị xem nhẹ. Đã có lúc trên nghị trường cũng có đại biểu lo lắng khi Bộ luật Hình sự 2015 quy định nương nhẹ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nhất là trong điều kiện hiện nay tình hình tội phạm đối với người chưa thành niên gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán, chủ đạo và thể hiện chính sách hình sự của nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội nên Bộ luật Hình sự 2015 vẫn quy định nguyên tắc này đối với người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm tội.

d) Nguyên tắc khi xét xử, tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa (khoản 4 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).

Nội dung nguyên tắc này đòi hỏi các tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng một trong các biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nhưng không có hiệu quả. Như vậy, trước khi tòa án áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi thì phải áp dụng các biện pháp không phải là hình phạt trước. Tuy nhiên, trên thực tế tòa án chỉ cân nhắc và xem xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội để quyết định có áp dụng hình phạt hay không? Nếu xét thấy không cần áp dụng hình phạt thì mới áp dụng các biện pháp pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

đ) Nguyên tắc không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (khoản 5 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).

Đây là nguyên tắc xử lý, đồng thời cũng là căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định từ Bộ luật Hình sự 1985 và được nhắc lại tại Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự 2015, thể hiện thái độ của Nhà nước ta dứt khoát không áp dụng hình phạt tử hình và tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; quy định này thể hiện được nguyên tắc không lấy trừng trị là mục đích của hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

e) Nguyên tắc “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất” (khoản 6 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).

Đây cũng là nguyên tắc xử lý, đồng thời cũng là căn cứ quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Nội dung của nguyên tắc này cũng tương tự như nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 91. Tuy nhiên, đây là căn cứ áp dụng hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Bộ luật Hình sự không chỉ hạn chế việc áp dụng hình phạt tù mà còn quy định, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

g) Nguyên tắc án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm (khoản 7 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015).

Việc không quy định đối với người chưa đủ 16 tuổi bị coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm cũng là thể hiện nguyên tắc không coi việc trừng trị là mục đích đối với người chưa đủ 16 tuổi, không thành kiến đối với người dưới 16 tuổi và tạo điều kiện cho các em phát triển bình thường trong cuộc sống trước mắt và lâu dài, vì đối với người chưa đủ 16 tuổi còn cả một tương lai phía trước.

Thạc sĩ, Luật sư ĐINH VĂN QUẾ

Nguyên thành viên Hội đồng Thẩm phán, Chánh tòa Tòa Hình sự TAND tối cao

Nguồn: Luật sư Việt Nam

65139

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]