17/10/2023 15:19

Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

Tôi muốn biết nguyên tắc xử lý, tình tiết định khung đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Khánh Huyền – Cà Mau

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

Theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi như sau:

- Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

- Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại người dưới 13 tuổi.

- Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến người dưới 16 tuổi.

2. Một số tình tiết định khung đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP về một số tình tiết định khung cụ thể:

- Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141, điểm a khoản 2 Điều 142, điểm d khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 2 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:

+ Phạm tội đối với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha;

+ Phạm tội đối với cô ruột, dì ruột, chú ruột, bác ruột, cậu ruột, cháu ruột;

+ Phạm tội đối với con nuôi, bố nuôi, mẹ nuôi;

+ Phạm tội đối với con riêng của vợ, con riêng của chồng, bố dượng, mẹ kế;

+ Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể.

- Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141, điểm đ khoản 2 Điều 142, điểm b khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 144, điểm a khoản 2 Điều 145, điểm b khoản 2 Điều 146 và điểm b khoản 2 Điều 147 Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Nhiều người hiếp một người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141 và điểm b khoản 3 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là trường hợp 02 người trở lên hiếp dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau hiếp dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi hiếp dâm.

Không coi là “nhiều người hiếp một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người hiếp dâm (trường hợp này là đồng phạm).

- Nhiều người cưỡng dâm một người quy định tại điểm a khoản 2 Điều 143 và điểm a khoản 3 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp 02 người trở lên cưỡng dâm 01 người. Cũng được coi là “nhiều người cưỡng dâm một người” nếu có từ 02 người trở lên cùng bàn bạc, thống nhất sẽ thay nhau cưỡng dâm 01 người, nhưng vì lý do ngoài ý muốn mới có 01 người thực hiện được hành vi cưỡng dâm.

Không coi là “nhiều người cưỡng dâm một người”, nếu có từ 02 người trở lên câu kết với nhau tổ chức, giúp sức cho 01 người cưỡng dâm (trường hợp này là đồng phạm).

Như vậy, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP thể hiện sự quyết liệt của pháp luật trong việc bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên khỏi các hành vi xâm hại tình dục. Việc quy định rõ các tình tiết định khung và hướng dẫn áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc sẽ giúp các cơ quan tư pháp xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

3. Các trường hợp loại trừ xử lý hình sự

Tại Điều 5 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP quy định như sau:

- Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...);

+ Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước...).

- Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người làm công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế.

Như vậy, không xử lý hình sự nếu người thực hiện hành vi là người trực tiếp chăm sóc nạn nhân hoặc thực hiện công việc khám, chữa bệnh, cấp cứu, sơ cứu mà không có tính chất tình dục.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
1245

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]