Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Đối tượng trực khám bệnh, chữa bệnh trong dịp Tết Âm lịch 2024 được quy định tại Điều 42 Thông tư 32/2023/TT-BYT cụ thể:
Trực khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Chương VIII Thông tư 32/2023/TT-BYT áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh nội trú; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường lưu; cơ sở cấp cứu ngoại viện (gọi tắt là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh).
Theo quy định tại Điều 43 Thông tư 32/2023/TT-BYT về nguyên tắc trực khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Trực ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh liên tục 24/24 giờ trong ngày.
- Các phiên trực phải được tổ chức chặt chẽ, có đầy đủ nhân lực, phương tiện vận chuyển, thiết bị y tế và thuốc để cấp cứu người bệnh.
- Các vị trí trực phải bảo đảm dễ tiếp cận và đủ thông tin liên lạc.
- Người trực phải có mặt trước giờ nhận trực để nhận bàn giao của phiên trực trước và khi hết giờ phải bàn giao cho phiên trực sau, không được rời bỏ vị trí trực và phải thực hiện mệnh lệnh trực của cấp trên.
- Danh sách các thành viên trực được phân công theo tháng, lịch trực được công bố trước thời điểm trực ít nhất một tuần, do lãnh đạo bệnh viện ký duyệt và được ghi trên bảng ở mỗi vị trí trực. Công chức, viên chức, người lao động đã được phân công trực theo lịch, chỉ được thực hiện đổi trực ngang cấp khi được sự phê duyệt của lãnh đạo.
Như vậy, một số nguyên tắc nổi bật về trực khám, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong dịp Tết Âm lịch 2024 như:
- Bảo đảm hoạt động 24/7: Trực ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh liên tục 24/24 giờ trong ngày, có đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị y tế và thuốc.
- Người trực không tự ý được rời vị trí trái quy định, phải thực hiện mệnh lệnh cấp trên.
Theo đó, sau phiên trực, các bộ phận trực ghi đầy đủ nội dung báo cáo để thực hiện báo cáo tình hình phiên trực như sau:
- Sau phiên trực, các bộ phận trực ghi đầy đủ nội dung báo cáo vào sổ trực; các khoa, phòng phải tổ chức giao ban để nghe báo cáo tình hình trực của các bộ phận trực: lâm sàng, cận lâm sàng, hậu cần, quản trị.
- Báo cáo trực lâm sàng phải bảo đảm báo cáo diễn biến trong phiên trực đối với các nội dung:
+ Tử vong: Ghi rõ diễn biến của người bệnh, cách xử lý, nguyên nhân, thời gian tử vong và những việc làm cụ thể sau khi người bệnh tử vong;
+ Cấp cứu: Ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán và cách giải quyết đối với từng người bệnh đến cấp cứu;
+ Diễn biến nặng của người bệnh nội trú: Ghi rõ các diễn biến về bệnh tật, cách xử lý đối với từng người bệnh;
+ Thuốc: Thống kê, báo cáo số lượng thuốc đã sử dụng trong phiên trực.
- Trực cận lâm sàng: Báo cáo tình hình xét nghiệm cấp cứu và kỹ thuật cận lâm sàng đã thực hiện trong phiên thường trực.
- Trực hậu cần, quản trị: Báo cáo các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Thông tư 32/2023/TT-BYT.
- Trực lãnh đạo: Có nhận xét chung về tình hình phiên thường trực tại giao ban toàn bệnh viện.
(Căn cứ Điều 45 Thông tư 32/2023/TT-BYT)
Như vậy, sau mỗi phiên trực, các bộ phận liên quan phải thực hiện báo cáo đầy đủ nội dung theo quy định. Cụ thể, lâm sàng báo cáo về tử vong, cấp cứu, diễn biến bệnh nhân nội trú và thuốc. Cận lâm sàng báo cáo xét nghiệm và kỹ thuật cận lâm sàng trong ca trực…
Trân trọng!