28/08/2020 07:53

Nguyên tắc quốc tịch theo pháp luật Việt Nam

Nguyên tắc quốc tịch theo pháp luật Việt Nam

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Vậy, với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì nước ta tuân theo nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo”. Tuy nhiên, nguyên tắc này đang gặp phải một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

1. Đặt vấn đề

Quốc tịch gắn liền với mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết và là tiền đề để họ được hưởng các quyền công dân và thực hiện nghĩa vụ công dân đối với nhà nước mà mình mang quốc tịch.

Cùng với sự phát triển của xã hội, mỗi quốc gia lại có một chế định riêng về vấn đề quốc tịch, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nguyên tắc một quốc tịch là nguyên tắc phổ biến nhất, bao gồm nguyên tắc một quốc tịch triệt để và nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo.

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Vậy, với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì nước ta tuân theo nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo”. Tuy nhiên, nguyên tắc này đang gặp phải một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Hơn thế nữa, nguyên tắc này đã và đang trở thành một thách thức đòi hỏi Việt Nam cũng như một số nước khác phải quan tâm và tìm giải pháp tháo gỡ do có những xung đột pháp luật về quốc tịch giữa Việt Nam và một số nước.

Nguyên tắc xác định quốc tịch

Nguyên tắc một quốc tịch

Nguyên tắc này còn được hiểu là nguyên tắc một quốc tịch triệt để. Luật quốc tịch các nước không quy định thành nguyên tắc cứng nhưng quan điểm 1 quốc tịch là quan điểm xuyên suốt toàn bộ nội dung của pháp luật quốc tịch các nước trên thế giới, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt luật quy định thì công dân của nước đó mới được phép mang 2 quốc tịch.

Do tình trạng pháp lý đặc biệt của người 2 hay nhiều quốc tịch, nên trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các quốc gia đều quan tâm giải quyết. Trong những thập kỷ trước, vấn đề này được giải quyết theo hướng hạn chế, giảm tối đa tình trạng 2 hay nhiều quốc tịch, người đó thường trú hoặc cư trú chủ yếu ở nước ngoài và nếu họ đáp ứng các điều kiện quy định trong pháp luật quốc gia về thôi quốc tịch.

Về cơ bản, nguyên tắc một quốc tịch tự nó không có ý nghĩa loại bỏ ngay từ đầu hiện tượng người có 2 quốc tịch. Đối với những quốc gia có quy định trong luật nguyên tắc 1 quốc tịch thì khi nảy sinh những vấn đề liên quan đến công dân của quốc gia đó đồng thời có quốc tịch khác, nguyên tắc 1 quốc tịch được áp dụng để xác định thẩm quyền giải quyết các vụ việc về cơ quan nhà nước mà người đó là công dân, chứ về nguyên tắc, không nhằm loại bỏ quốc tịch thứ 2 của đương sự liên quan. Còn trong quan hệ với quốc gia thứ ba, thì việc quốc gia thứ ba lựa chọn quốc tịch nào trong đó các quốc tịch mà đương sự đang có để giải quyết những vấn đề liên quan đến họ thường dựa trên 2 nguyên tắc: bình đẳng và quốc tịch hữu hiệu, chứ không dựa trên nguyên tắc một quốc tịch của pháp luật mỗi quốc gia.

Cũng cần phải thấy rằng, về phía cá nhân người có 2 quốc tịch, mặc dù có khó khăn nhất định khi cùng một lúc phải thực hiện nghĩa vụ công dân ở 2 nước khác nhau, nhưng thuận lợi do 2 quốc tịch mang lại cũng không phải nhỏ.

– Đối với công dân có nhiều hộ chiếu (đa quốc tịch), nhập cảnh bằng hộ chiếu nào sẽ được coi là công dân của nước đó và khi có xung đột sẽ được bảo hộ theo quốc gia trên hộ chiếu lúc nhập cảnh.

– Đối với quyền ứng cử, thông thường các quốc gia chỉ công nhận công dân ứng cử là công dân chỉ có một quốc tịch nước ứng cử. Do vậy, nếu ứng cử viên có nhiều quốc tịch sẽ không được tham gia ứng cử vào hệ thống chính trị hoặc là người đó phải từ bỏ quốc tịch khác của mình, thậm chí phải cư trú trên lãnh thổ quốc gia người này ứng cử một thời gian nhất định.

– Đối với quyền bầu cử, thông thường các quốc gia chậm phát triển hoặc đang phát triển tiềm lực kinh tế chưa lớn không quy định rõ ràng về việc công dân của mình ở nước ngoài có được bầu cử hay không. Tuy nhiên, ở một số quốc gia phát triển thì công dân của họ ở nước ngoài có thể có quyền bầu cử thông qua các hình thức được tổ chức tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự ở nước ngoài.

– Đối với trẻ em, thông thường các nước dành tối đa sự ưu đãi vì việc xung đột quốc tịch là rất ít, hiếm có. Việc tạo điều kiện cho trẻ em được công nhận nhiều quốc tịch để tối đa hóa quyền lợi mà trẻ em được hưởng và quy định để một độ tuổi nhất định khi trẻ em đó lớn lên sẽ được toàn quyền lựa chọn quốc tịch cho mình.

Nguyên tắc đa quốc tịch

Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, trong đó phần đáng kể là do sự khác biệt trong quy định pháp luật quốc tịch của các quốc gia nên dẫn tới tình trạng 1 người có 2 hoặc nhiều quốc tịch.

Để giải quyết những vấn đề liên quan tới người nhiều quốc tịch, các quốc gia lựa chọn cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo. Về bản chất, nguyên tắc này không loại trừ khả năng 1 người có thể có 2 hoặc nhiều quốc tịch. Tuy nhiên, trong quan hệ với quốc gia sở tại thì quốc gia chỉ thừa nhận cá nhân có một quốc tịch của quốc gia đó. Ví dụ, Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận công dân có quốc tịch Việt Nam ở trên lãnh thổ Việt Nam cho dù người này có nhiều quốc tịch khác. Mặc dù vậy, Việt Nam áp dụng nguyên tắc này một chiều, tức là người đã có quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn có thể xin quốc tịch quốc gia khác mà không đương nhiên mất quốc tịch gốc; nhưng nếu người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch gốc trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Ưu điểm của nguyên tắc trên đó là vừa đảm bảo nguyên tắc một quốc tịch, vừa đảm bảo nguồn lực phát triển, giúp các quốc gia xử lý linh hoạt hơn đối với trường hợp 2 hay nhiều quốc tịch, đặc biệt, nguyên tắc trên dung hòa giữa nguyên tắc một quốc tịch triệt để và nguyên tắc đa quốc tịch.

2. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc quốc tịch theo pháp luật Việt Nam

Xuất phát từ vai trò quan trọng của quốc tịch, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quốc tịch của Việt Nam đã được hình thành từ rất sớm, khẳng định chủ quyền quốc gia về quốc tịch, Nhà nước sử dụng quy phạm pháp luật để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quốc tịch, tạo khung hành lang pháp lý vững chắc cho Nhà nước trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam định cư trong và ngoài nước. Qua từng thời kỳ, các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế để hoàn thiện phù hợp. Nhìn chung, các quy định của pháp luật về quốc tịch đã thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về đảm bảo quyền có quốc tịch Việt Nam của công dân; công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng, được hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước, hạn chế tình trạng không quốc tịch…

Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật về quốc tịch của Việt Nam cho thấy, Việt Nam lấy nguyên tắc một quốc tịch làm chủ đạo trong xây dựng, thực thi pháp luật và quản lý nhà nước về quốc tịch, phù hợp xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới.

Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành đã quy định cơ bản đầy đủ điều chỉnh các vấn đề về quốc tịch. Chính vì vậy, đã đạt được một số mặt tích cực như sau:

(i). Việt Nam là một trong các quốc gia có số lượng người không quốc tịch, người không rõ quốc tịch cư trú nhiều. Họ di cư tự do từ các nước láng giềng sang sinh sống tại các tỉnh biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết họ không có giấy tờ để chứng minh quốc tịch của mình.

Căn cứ quy định của Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008), Chính phủ Việt Nam đã hướng dẫn trình tự, thủ tục và hồ sơ nhập quốc tịch cho những người này hết sức đơn giản, miễn giảm các điều kiện, lệ phí, trình tự thủ tục rút gọn hơn so với thủ tục thông thường…. Cụ thể, Luật Quốc tịch Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với hơn 4400 người người không quốc tịch đã cư trú ổn định, lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam không quốc tịch được nhập quốc tịch Việt Nam.

(ii). Khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định:“Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam mà cha mẹ không thoả thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam”. Quy định này cho thấy, pháp luật Việt Nam đã đảm bảo trẻ sinh ra trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam, có cha và mẹ là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam. Qua đó, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho trẻ, đảm bảo nguyên tắc huyết thống tuyệt đối và góp phần hạn chế tình trạng trẻ em không có quốc tịch.

(iii). Khoản 3 Điều 19 và Khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch năm 2008 cho thấy, pháp luật về quốc tịch của Việt Nam đã được xây dựng với nguyên tắc 1 quốc tịch một cách “mềm dẻo” bằng cơ sở pháp lý để tiếp nhận, đề xuất giải quyết các trường hợp xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam muốn giữ quốc tịch nước ngoài, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

Khoản 1 Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã tạo cơ sở pháp lý để công nhận tình trạng 2 quốc tịch của trẻ được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Điều 9 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 qui định công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài mà pháp luật quốc gia đó quy định tự động có quốc tịch thông qua hôn nhân (Thụy Sĩ, Pháp…) mà không bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên khi áp dụng Luật Quốc tịch Việt Nam vẫn còn một số vướng mắc do một số quy định trong Luật Quốc tịch năm 2008 chưa rõ ràng và cụ thể, dẫn đến việc khó triển khai thực hiện, như:

–  Luật Quốc tịch Việt Nam quy định khá rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa có quy định về cơ chế thu hồi các quyết định về quốc tịch để bảo đảm tôn trọng nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam. Điều đó cho thấy, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ các biện pháp hữu hiệu để bảo đảm thực thi nguyên tắc một quốc tịch mà chỉ sửa đổi cho “mềm dẻo” để phù hợp hơn với nhiệm vụ, hoàn cảnh thực tế của đất nước.

– Luật Quốc tịch Việt Nam chưa giải quyết triệt để vấn đề quốc tịch của người không quốc tịch và quốc tịch của trẻ là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài và vấn đề giữ quốc tịch nước ngoài. Vẫn còn khá nhiều trường hợp người không quốc tịch chưa được nhập quốc tịch Việt Nam không được hưởng đầy đủ quyền và thực hiện nghĩa vụ như công dân Việt Nam. Vẫn còn tình trạng trẻ là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không có quốc tịch hoặc mang quốc tịch nước ngoài chưa được đảm bảo đầy đủ quyền trẻ em. Hầu hết các hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài đều bị trả lại do đương sự không thể chứng minh được mình thuộc trường hợp “đặc biệt”.

– Khoản 2 Điều 37 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: “Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi”. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn việc công nhận/xác nhận quốc tịch Việt Nam cho các trẻ này.

– Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa xác định rõ về “nơi cư trú” để làm căn cứ xác định thẩm quyền thụ lý hồ sơ quốc tịch. Điều này đã dẫn đến trong một số trường hợp, Sở Tư pháp gặp khó khăn khi đề nghị cơ quan liên quan xác minh về tình trạng nhân thân và quá trình cư trú của người yêu cầu.

– Về những giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch. Kể từ ngày 01/01/2016, Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành, theo đó tại Khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân quy định “Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam”. Tuy nhiên, Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam chưa quy định loại giấy tờ này là một trong những loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

– Về thủ tục hành chính trong giải quyết các việc về quốc tịch

+ Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 và điểm d Khoản 1 Điều 24 Luật Quốc tịch  thì một trong những giấy tờ phải có trong hồ sơ của người xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài là Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Yêu cầu này, rất khó cho người dân, và trong nhiều trường hợp là không thể thực hiện được.

+ Quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch và Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ là quy định rất khó khăn cho người xin nhập quốc tịch là người không quốc tịch. Vì để được cấp thẻ thường trú, họ phải bảo đảm điều kiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 39; khoản 1 Điều 42 Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, quá cảnh các văn bản hướng dẫn thi hành

Điều 12 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định:“Vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế”.

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như Việt Nam chưa ký kết điều ước quốc tế song phương, đa phương với quốc gia nào để giải quyết vấn đề quốc tịch của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân Việt Nam có quốc tịch nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc, Luật Quốc tịch 2008 không giải quyết được vấn đề quốc tịch phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.

Bên cạnh những quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng như trên, hiện nay, Việt Nam còn thiếu cả cơ chế pháp lý cũng như cơ chế vận hành để giải quyết hậu quả phát sinh từ tình trạng người có 2 hay nhiều quốc tịch.

3. Một số kiến nghị

Từ thực trạng pháp luật và thực tế áp dụng pháp luật về nguyên tắc quốc tịch Việt Nam, tác giả có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, chú trọng giải pháp hài hòa giữa nguyên tắc 1 quốc tịch với việc thừa nhận một số ngoại lệ theo quy định về vấn đề 2 quốc tịch, nhưng phải ưu tiên áp dụng quốc tịch Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Do vậy, cần phải cụ thể hóa các trường hợp đặc biệt (khoản 3 điều 19 Luật Quốc tịch 2008) bởi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa quy định rõ “thế nào là trường hợp đặc biệt” để được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập quốc tịch, xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Cụ thể:

Tại Khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định “Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép gồm:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Khoản 5 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Chính vì chưa có quy định, hướng dẫn rõ thế nào là “trường hợp đặc biệt”, nên đã gây khó khăn trong việc áp dụng điều luật này, dẫn đến nhầm tưởng là nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ được coi là “trường hợp đặc biệt” để xin Chủ tịch nước cho giữ quốc tịch nước ngoài. Do đó, hầu hết hồ sơ xin nhập/xin trở lại quốc tịch Việt Nam đều ghi nguyện vọng được giữ quốc tịch nước ngoài đang có. Trong khi đó, các hồ sơ trên đều bị Bộ Tư pháp từ chối giải quyết theo nguyện vọng giữ lại quốc tịch nước ngoài và buộc người yêu cầu người xin nhập/người xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài.

Thứ hai, giải pháp nhằm nâng cao quản lý nhà nước liên quan đến giấy tờ chứng minh quốc tịch như:

+ Bổ sung quy định nhằm hủy bỏ giá trị của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (Điều 11 Luật Quốc tịch) của những người đã được thôi quốc tịch bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam

+ Cần có cơ chế thông tin giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an để thực hiện việc xóa đăng ký thường trú, thu hồi hộ chiếu Việt Nam, chứng minh thư nhân dân của những người đã được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Thứ ba, thực hiện rà soát, thống kê và có biện pháp xử lý các trường hợp cấp chưa đúng giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam cho người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

Thứ tư, tổ chức tập huấn chuyên sâu pháp luật về quốc tịch cho công chức tư pháp, hộ tịch người có trách nhiệm  có trách nhiệm cấp các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Thứ năm, Việt Nam cân nhắc tham gia các Điều ước về quốc tịch như Công ước năm 1954 về người không quốc tịch, Công ước năm 1961 về hạn chế tình trạng không quốc tịch nhằm đảm bảo quyền của người không quốc tịch tại Việt Nam. Muốn vậy, phải giải quyết các vướng mắc sau:

+ Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật BQPPL riêng biệt nào qui định về địa vị pháp lý, biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng người không quốc tịch cũng như biện pháp đảm bảo quyền cho người người không quốc tịch. Do đó cần đánh giá, rà soát toàn diện hệ thống pháp luật về người quốc tịch nhằm nội luật hóa 2 công ước kể trên.

+ Chuẩn bị nguồn lực cho công tác quản lý.

+ Hiện nay công tác thống kê về người không quốc tịch chưa được kiểm tra, rà soát toàn diện nên sẽ không có số liệu chính xác. Do vậy, Việt Nam sẽ khó khăn trong việc báo cáo với ủy ban điều hành của các Công ước Liên hợp quốc về kết quả cũng như khó khăn trong việc giải quyết tình trạng không quốc tịch tại Việt Nam.

Tóm lại, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, pháp luật về quốc tịch của Việt Nam về cơ bản đã đánh dấu bước quan trọng trong lĩnh vực quốc tịch, bảo đảm quyền có quốc tịch Việt Nam của công dân Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác định quốc tịch Việt Nam; giải quyết kịp thời các yêu cầu xin nhập, xin thôi quốc tịch Việt Nam, qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tuy vậy, thực tiễn trên cho thấy vai trò của quốc tịch ngày càng quan trọng trong bối cảnh quốc tế hướng đến hội nhập sâu rộng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. Vì thế, xu hướng 2 và đa quốc tịch đang được nhiều nước thực hiện. Vậy, đã đến lúc chúng ta cần khẳng định lại nguyên tắc quốc tịch của mình hoặc là nguyên tắc một quốc tịch có ngoại lệ mang tính pháp lý hơn là nguyên tắc “mềm dẻo” hay là nguyên tắc đa quốc tịch để nghiên cứu xử lý các vấn đề liên quan và hoàn thiện pháp luật theo định hướng đã lựa chọn. Bởi, xác định quốc tịch có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng đối với từng cá nhân. Tuy nhiên, việc thay đổi nguyên tắc quốc tịch phải xuất phát từ năng lực của bộ máy nhà nước và việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng không ít các quy định khác có liên quan từ cư trú, dân sự, hình sự…

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

20174

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]