14/10/2024 10:33

Nguyên tắc, hình thức biểu quyết tại đại hội từ ngày 26/11/2024

Nguyên tắc, hình thức biểu quyết tại đại hội từ ngày 26/11/2024

Nguyên tắc, hình thức biểu quyết tại đại hội là gì? Nhiệm kỳ đại hội được quy định như thế nào? Những nội dung chủ yếu tại đại hội là gì?

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Trong đó, có quy định về nguyên tắc, hình thức biểu quyết tại đại hội 

1. Nguyên tắc, hình thức biểu quyết tại đại hội từ ngày 26/11/2024

Tại khoản 6 Điều 19 Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định rõ có 02 hình thức có thể biểu quyết tại đại hội gồm hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. 

Theo đó, hình thức biểu quyết do đại hội quyết định hoặc theo quy định của điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Việc biểu quyết thông qua các quyết định của đại hội phải đảm bảo trên 1/2 số đại biểu chính thức được triệu tập tán thành hoặc theo quy định của điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, giơ tay và bỏ phiếu kín là 02 hình thức biểu quyết tại đại hội, việc lựa chọn hình thức biểu quyết là do đại hội quyết định hoặc theo quy định của điều lệ hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhiệm kỳ đại hội được quy định như thế nào? 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 126/2024/NĐ-CP, nhiệm kỳ đại hội được quy định như sau:

- Nhiệm kỳ đại hội do điều lệ hội quy định nhưng không quá 05 năm kể từ ngày kết thúc đại hội nhiệm kỳ trước;

-Trước khi hết nhiệm kỳ 30 ngày làm việc, hội chưa tổ chức được đại hội thì hội phải báo cáo lý do với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 126/2024/NĐ-CP xem xét cho phép gia hạn thời gian tổ chức đại hội. Thời gian gia hạn không quá 12 tháng;

- Hết thời gian gia hạn hội không tổ chức đại hội thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 126/2024/NĐ-CP xử lý vi phạm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2024/NĐ-CP; trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo đó, để tính thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ thì căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định 126/2024/NĐ-CP như sau:

- Nhiệm kỳ đại hội của hội thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này. Trường hợp hội kéo dài nhiệm kỳ đại hội thì thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ tiếp theo được tính kể từ ngày hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ;

- Trường hợp hội tổ chức đại hội bất thường để thông qua việc đổi tên thì được tính thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ tiếp theo kể từ ngày hội tổ chức đại hội bất thường;

- Hội thành lập mới do chia, tách; sáp nhập; hợp nhất hội được tính thời hạn tổ chức đại hội nhiệm kỳ tiếp theo kể từ ngày hội tổ chức đại hội thành lập mới.

3. Những nội dung chủ yếu tại đại hội từ ngày 26/11/2024

Tại Điều 20 Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định những nội dung chủ yếu tại đại hội từ ngày 26/11/2024 bao gồm:

* Nội dung chủ yếu của đại hội thành lập:

- Công bố, trao quyết định cho phép thành lập hội;

- Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;

- Thông qua chương trình đại hội, quy chế đại hội, quy chế bầu cử;

- Báo cáo kết quả quá trình vận động thành lập hội;

- Thảo luận điều lệ đã được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định 126/2024/NĐ-CP xem xét khi cho phép thành lập hội và biểu quyết điều lệ;

- Thông qua đề án nhân sự đại hội; biểu quyết số lượng thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra cho cả nhiệm kỳ của hội; đề cử, ứng cử vào danh sách thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra hội;

- Bầu ban chấp hành hội, ban kiểm tra hội;

- Thông qua chương trình hoạt động nhiệm kỳ của hội;

- Các vấn đề khác (nếu có);

- Thông qua nghị quyết đại hội.

* Nội dung chủ yếu tại đại hội nhiệm kỳ:

- Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;

- Thông qua chương trình đại hội, quy chế đại hội, quy chế bầu cử;

- Thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tiếp theo của hội; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành, ban kiểm tra; báo cáo tài chính của hội;

- Thảo luận đổi tên hội (nếu có); thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ hoặc tiếp tục sử dụng điều lệ hiện hành;

- Chia, tách; sáp nhập, hợp nhất (nếu có);

- Thông qua đề án nhân sự đại hội; biểu quyết số lượng thành viên ban chấp hành, ban kiểm tra cho cả nhiệm kỳ của hội; đề cử, ứng cử vào danh sách ban chấp hành, ban kiểm tra hội;

- Bầu ban chấp hành; bầu ban kiểm tra hội, trừ hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ;

- Các vấn đề khác theo quy định của điều lệ hội (nếu có);

- Thông qua nghị quyết đại hội.

* Nội dung chủ yếu tại đại hội bất thường:

- Báo cáo số lượng đại biểu tham dự đại hội và báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội;

- Thông qua những nội dung thảo luận và quyết định tại đại hội;

- Thông qua nghị quyết đại hội.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
391

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]