18/04/2024 16:56

Nguyên tắc đặt tên tàu biển Việt Nam mới nhất năm 2024

Nguyên tắc đặt tên tàu biển Việt Nam mới nhất năm 2024

Cho tôi hỏi nguyên tắc đặt tên đối với tài biển Việt Nam mới nhất năm 2024 như thế nào? Anh Quỳnh-Kiên Giang

Chào anh, Ban biên tập xin trả lời như sau:

1. Tàu biển Việt Nam là gì?

Theo Điều 13 Bộ luật Hàng hải 2015 thì tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Tàu biển không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Hàng hải 2015 thì tàu biển Việt Nam là tàu biển đã được đăng ký vào Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam hoặc đã được cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy phép tạm thời mang cờ quốc tịch Việt Nam. Tàu biển Việt Nam có quyền và nghĩa vụ mang cờ quốc tịch Việt Nam. Chỉ có tàu biển Việt Nam mới được mang cờ quốc tịch Việt Nam.

2. Nguyên tắc đặt tên đối với tàu biển Việt Nam

Theo Điều 21 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định về nguyên tắc đặt tên tàu biển Việt Nam như sau:

- Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;

- Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên của tàu biển, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;

- Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đối với tàu biển, tên có vai trò quan trọng trong những công việc như:

- Phân biệt giữa các tàu với nhau, dễ dàng nhận dạng, phân biệt các loại tàu biển, giúp các chủ tàu cũng như cơ quan quản lý tránh được sự nhầm lẫn trong việc sử dụng và quản lý tàu biển Việt Nam.

 - Quản lý và kiểm soát các hoạt động của tàu biển Việt Nam nói riêng và tàu biển của các quốc gia khác đi qua vùng biển Việt Nam và hoạt động trên vùng biển của Việt Nam. 

- Kiểm soát số lượng tàu biển của nước ta và tình hình phát triển của tàu biển Việt Nam trong quá trình hoạt động khai thác ngoài biển.

Vậy nên, khi thực hiện đặt tên cho tàu biển Việt Nam cần lưu ý về những nguyên tắc theo quy định của pháp luật bởi vai trò của tên là rất quan trọng.

3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển Việt Nam

Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 171/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển, bao gồm:

- Tờ khai chấp thuận đặt tên tàu biển theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 171/2016/NĐ-CP;

Mẫu số 05https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/M%E1%BA%ABu%20s%E1%BB%91%2005.docx

- Hợp đồng mua, bán tàu biển hoặc hợp đồng đóng mới tàu biển hoặc các bằng chứng khác có giá trị pháp lý tương đương về quyền sở hữu đối với tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Trường hợp chủ tàu là tổ chức nước ngoài thì nộp giấy phép thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

- Trường hợp chủ tàu là cá nhân còn phải nộp thêm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

Trường hợp chủ tàu là cá nhân người nước ngoài thì nộp hộ chiếu (bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

4. Quy trình tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển Việt Nam

Quy trình tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển Việt Nam quy định về Điều 8 Nghị định 171/2016/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan đăng ký tàu biển hoặc bằng các hình thức thích hợp khác.

Bước 2: Quy trình tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan đăng ký tàu biển tiếp nhận hồ sơ, thực hiện theo quy trình sau:

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ theo dõi, cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đúng thời gian quy định;

- Trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu chính, nếu hồ sơ không hợp lệ, chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký tàu biển hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định 171/2016/NĐ-CP;

Bước 3: Trả kết quả

Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký tàu biển trả lời chủ tàu bằng văn bản về việc chấp thuận tên tàu biển do chủ tàu lựa chọn;

Trân trọng!

Phạm Thị Thu Hà
497

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]