30/09/2019 08:09

Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Bài viết có nội dung phân tích quy định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, đồng thời chỉ ra những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là một quan hệ phái sinh mà Tòa án đồng thời phải giải quyết trong vụ án ly hôn. Các tranh chấp này khi phát sinh thường rất phức tạp và kéo dài bởi thực tiễn giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung nó gắn liền với quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng nên nhiều tình tiết của vụ án khó làm sáng tỏ bởi trong quá trình hôn nhân còn tồn tại, việc xác lập, thỏa thuận, định đoạt chia tài sản chung của vợ chồng là quan hệ kín mà chỉ vợ chồng họ mới nắm được.

Luật Hôn nhân và Gia đình (LHN&GĐ) năm 2014 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đã có những quy định tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự. Để giải quyết, phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được chính xác, đòi hỏi người tiến hành tố tụng cần phải nắm chắc quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về các nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.

1. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận

Về chế độ tài sản của vợ chồng, bên cạnh chế độ tài sản vợ chồng theo luật định, thì Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã thừa nhận thêm một chế độ so với Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 là chế độ tài sản theo thỏa thuận. Chế độ tài sản thỏa thuận (hay còn gọi là chế độ tài sản ước định), là tập hợp các quy tắc do chính vợ, chồng xây dựng nên một cách hệ thống trên cơ sở sự cho phép của pháp luật để thay thế cho chế độ tài sản luật định nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng. Chế độ tài sản này được quy định như một điểm mới rất tiến bộ trong LHN&GĐ Việt Nam năm 2014, tồn tại song song cùng với chế độ tài sản theo luật định (được áp dụng khi vợ chồng không xác lập chế độ tài sản theo thoả thuận). Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của LHN&GĐ.

Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký kết hôn. Vì vậy, khi ly hôn mà có yêu cầu chia tài sản chung thì Tòa án sẽ xem xét, nếu có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định áp dụng theo luật định, những thỏa thuận có hiệu lực vẫn được tôn trọng và thực hiện.

2. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp chế độ tài sản vợ chồng theo luật định

Bên cạnh chế độ tài sản theo thỏa thuận, thì Luật hôn nhân và gia đình tiếp tục ghi nhận chế độ tài sản theo luật định là nền tảng trong chế độ tài sản chung của vợ chồng. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của LHN&GĐ.

Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp chế độ tài sản vợ chồng theo luật định được quy định bao gồm các nguyên tắc sau:

2.1.Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng

Nguyên tắc đầu tiên trong việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn chính là sự thoả thuận. Tài sản của vợ chồng được chia như thế nào trước hết phụ thuộc vào chính ý chí của họ. “Thỏa thuận” có nghĩa là “đi tới sự đồng ý sau khi cân nhắc, thảo luận”. Quan hệ pháp luật dân sự nói chung và quan hệ hôn nhân và gia đình nói riêng đều tôn trọng quyền tự định đoạt của các chủ thể hay nói các khác là tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng đối với tài sản chung khi ly hôn. Quá trình giải quyết tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung. Tất nhiên cần phải hiểu rằng sự thoả thuận này phải phù hợp với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Sự tự nguyện thỏa thuận, ý chí đồng thuận của các bên luôn được tôn trọng dù trong bất kỳ trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo luật định. Cụ thể: Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

– Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;

– Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của LHN&GĐ để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Có thể thấy, việc cho phép vợ chồng tự thỏa thuận với nhau về việc khi tài sản khi ly hôn có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự đổi mới tư duy lập pháp của các nhà làm luật. Việc thừa nhận này không chỉ đảm bảo quyền tự do định đoạt đối với quyền sở hữu tài sản, đáp ứng nhu cầu của cá nhân vợ, chồng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, số lượng các vụ việc về ly hôn ngày càng gia tăng, việc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn nhưng không cần phải xác minh nguồn gốc cũng như giá trị tài sản của vợ chồng sẽ giúp Tòa án rất nhiều trong việc tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

2.Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”.

Theo đó, xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự nói chung và quan hệ vợ chồng nói riêng, vợ, chồng có quyền thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải quyết phân chia tài sản trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng. Tòa án có trách nhiệm tôn trọng thỏa thuận hợp pháp của các bên. Nội dung của thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật hoặc đạo đức xã hội thì sẽ không được công nhận.

– Nếu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có những vấn đề không thỏa thuận, thỏa thuận không rõ ràng hoặc thỏa thuận bị vô hiệu thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của LHN&GĐ năm 2014 để giải quyết.

– Nếu văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành không quy định hình thức ghi nhận thỏa thuận phân chia tài sản. Chỉ duy nhất trong trường hợp khi vợ chồng thuận tình ly hôn, nếu họ thỏa thuận được với nhau về việc phân chia tài sản chung thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy, trong vụ án hôn nhân và gia đình, Tòa án giải quyết 03 mối quan hệ là quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản và con chung, trong trường hợp các bên thỏa thuận được vấn đề tài sản chung thì Tòa án vẫn công nhận sự thỏa thuận này và sẽ được quyết định trong bản án.

2.2.Nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng

Trên cơ sở của nguyên tắc vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc hưởng các quyền dân sự nói chung và quyền sở hữu tài sản nói riêng, trong trường hợp không có thỏa thuận phân chia tài sản, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia theo nguyên tắc chia đôi. Quy định này là hoàn toàn hợp lý vì hình thức sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất, được sử dụng để đảm bảo nhu cầu đời sống chung của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Sở hữu chung hợp nhất là hình thức sở hữu mà trong đó quyền của các đồng chủ sở hữu không được xác định đối với khối tài sản chung nên về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng sẽ chia đôi khi ly hôn.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc phân chia tài sản chung của vợ chồng được thực hiện công bằng, phù hợp với thực tế, khoản 2 Điều 59 LHN&GĐ năm 2014 được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định rằng khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của LHN&GĐ. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Sự đóng góp đó có thể trực tiếp bằng sức lao động hoặc tài sản mà người đó bỏ ra để tạo nên tài sản chung của vợ chồng như dùng tài sản riêng để sửa chữa, cải tạo, tu bổ làm tăng giá trị của tài sản chung, tài sản riêng của mỗi bên đem nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng…

Ngoài ra điểm mới rất đáng lưu ý trong LHN&GĐ năm 2014 chính là việc thừa nhận lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Đây được coi là quy định rất tiến bộ bởi thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, vì rất nhiều gia đình vẫn không coi trọng đóng góp của người phụ nữ trong việc quán xuyến, chăm lo công việc nội trợ gia đình, vì không có thu nhập, còn kinh tế sẽ thuộc sở hữu của người chồng làm ra. Sẽ là bất công đối với người phụ nữ khi công sức họ bỏ ra trong thời kỳ hôn nhân này sẽ không được coi là lao động có thu nhập khi đánh giá chia tài sản chung khi ly hôn. Quy định trên của LHN&GĐ đã phần nào khắc phục được hạn chế nêu trên, theo đó người chăm lo công việc gia đình vẫn được coi là lao động có thu nhập.

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Cần lưu ý, lỗi ở đây có thể là không chăm lo làm ăn, cố tình tẩu tán tài sản, cờ bạc, rượu chè, có hành vi ngoại tình, bạo lực gia đình… mà các lỗi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn, nếu một bên có lỗi nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì không xem xét, đánh giá khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.

Tuy nhiên, để chứng minh được lỗi của bên đối phương thì chủ thể bên kia phải cung cấp được chứng cứ chứng minh cho Tòa án về những lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ đó. Những hành vi vi phạm sẽ là một trong những căn cứ được Tòa án xem xét khi phân chia tài sản. Căn cứ vào mức độ lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ Tòa án xem xét chia tài sản theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn thì sẽ nhận được tài sản ít hơn.

Các yếu tố được nêu trên là những quy định mang tính định tính, do vậy nó không những đòi hỏi Thẩm phán phải nắm vững các quy định của pháp luật mà còn phải thu thập, kiểm tra kĩ mọi vấn đề liên quan tới tài sản: hoàn cảnh các bên, công sức đóng góp… Cũng như phải có sự hiểu biết đúng đắn, chính xác và đầy đủ về các tiêu chí này nhằm phân chia tài sản được chính xác, tránh những sai sót, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.

2.3. Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chi bằng hiện vật hoặc chia theo giá trị được hưởng

Thực tiễn cho thấy phân chia tài sản cho vợ chồng khi ly hôn bao giờ cũng phức tạp, nguyên tắc này sẽ giúp cho Toà án chủ động hơn trong khi phân chia nhằm mục đích: chia tài sản không làm mất giá trị sử dụng của tài sản đó. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, Toà án phải chú trọng trong việc ưu tiên chia bằng hiện vật tương ứng, chỉ khi nào không thể chia bằng hiện vật thì mới tiến hành chia cho một bên nhận hiện vật và bên này có nghĩa vụ trích chia tương ứng giá trị bên kia được nhận.

2.4.Nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng

Khoản 4 Điều 59 LHN&GĐ năm 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định tài sản riêng không dễ dàng xuất phát từ lời khai của hai bên vợ, chồng không giống nhau.

2.5.Nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình

Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của LHN&GĐ 2014 được quy định tại khoản 4 Điều 2: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình”, xuất phát từ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, LHN&GĐ cũng thực hiện nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Theo đó “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Nguyên tắc này được quy định nhằm ngăn chặn thói tệ coi rẻ người phụ nữ và con cái. Hơn nữa, trên thực tế, sau khi ly hôn người vợ được coi là phái yếu và con cái thường gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần trong việc tổ chức lại và duy trì cuộc sống bình thường. Họ cần được bảo vệ và quan tâm. Do đó, cần phải tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, lao động, hạn chế thấp nhất những khó khăn họ phải chịu.

3 . Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng

Quá trình áp dụng quy định về các nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn trong thực tiễn phát sinh một số vướng mắc như sau:

3.1. Thời điểm có hiệu lực của Thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng

Điều 47 LHN&GĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Có thể thấy nội dung điều luật trên có sự trùng lặp và mâu thuẫn nhau khi đoạn đầu quy phạm xác định khi lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn, tuy nhiên đoạn sau lại xác định… được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Có thể thấy, chỉ một nội dung về việc quy định thời điểm xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, tuy nhiên lại quy định hai thời điểm khác nhau.

Nội hàm các nhà làm luật hướng tới điều luật trên bao gồm ba nội dung là thời điểm xác lập, hình thức và thời điểm phát sinh hiệu lực của việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận. Tuy nhiên, do sự thiếu sót trong việc soát xét dẫn đến nội hàm điều luật bị trùng lặp trong quy định, dẫn đến việc khó khăn trong áp dụng.

Do đó, trong thời gian tới cần sửa đổi điều luật theo hướng: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

3.2. Phạm vi áp dụng chế độ thỏa thuận vợ chồng còn hẹp

Quy định trên của LHN&GĐ khi áp dụng trong thực tiễn sẽ thấy được điểm bất cập khi quy định này chỉ được áp dụng đối với các cặp vợ chồng từ sau thời điểm ngày 01/01/2015 (ngày LHN&GĐ năm 2014 có hiệu lực). Vậy những trường hợp mà vợ chồng đã đăng ký kết hôn từ trước thời điểm trên muốn lựa chọn chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận thì đều không được thừa nhận bởi Luật chỉ thừa nhận việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, tùy thực tiễn khách quan, nhu cầu của đời sống mà các nhà làm luật cần có hướng dẫn quy định về vấn đề “hồi tố” đối với quy định này trong những trường hợp nhất định được áp dụng cả đối với các cặp vợ chồng đã kết hôn trước thời điểm LHN&GĐ năm 2014 có hiệu lực.

3.3. Giá trị pháp lý của yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu

Khi giải quyết vụ án ly hôn có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng, Tòa án cần phải xem xét xem vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản hay không. Nếu có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng theo luật định. Nội dung này được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 như sau: “1. Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

a) Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;

b) Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn”.

Trường hợp nếu một hoặc các bên vợ chồng không ai có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu mà có căn cứ thuộc trường trường hợp tại khoản 1 Điều 50 LHN&GĐ năm 2014 thì Tòa án có quyền tự tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu hay không? Khoản 2 Điều 7 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 quy định “Khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn”. Như vậy theo tinh thần Thông tư 01/2016/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP thì khi nào có yêu cầu thì Tòa án mới được xem xét và tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu. Vấn đề pháp lý đặt ra khi thỏa thuận đó thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 50 LHN&GĐ nhưng một hoặc các bên vợ chồng không có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận đó vô hiệu thì phải giải quyết như thế nào. Bởi một thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng chỉ bị vô hiệu khi có sự thừa nhận thể hiện qua tuyên bố vô hiệu được nêu trong bản án của Tòa án. Khi không có nội dung này đồng nghĩa với thỏa thuận đó có hiệu lực. Vấn đề này cần được hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

3.4. Xác định Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung

Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập – Đây là tình tiết để xem xét xác định tỷ lệ trong việc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng. Tình tiết này được hướng dẫn như sau: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn” [13]. Thực tế việc xác định công sức đóng góp nêu trên mới chỉ mang tính chất định tính chứ không có một định lượng rõ ràng dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.

Để xem xét công sức đóng góp trong mỗi bên trong việc tạo lập, phát triển, giữ gìn, bảo quản… tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, cần phải xem xét thật khách quan, toàn diện từ nguồn gốc hình thành tài sản, giá trị của tài sản để ra công sức quản lý, giữ gìn, sự cần thiết và hiệu quả của công sức đã bỏ ra. Tài sản có giá trị càng cao thì trách nhiệm và công sức của người quản lý, giữ gìn, chăm sóc tài sản đó càng lớn. Công sức, quản lý tài sản yêu cầu có trình độ chuyên môn, nhiều thời gian hơn khác với trường hợp chỉ yêu cầu lao động phổ thông, ít thời gian hơn. Do đó thiết nghĩ để quy định trên được áp dụng thống nhất trong việc phân chia tài sản chung giữa các Tòa án, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn định lượng rõ, dự liệu các trường hợp xảy ra để xác định phần trăm cụ thể góp phần thống nhất áp dụng pháp luật.

– Tương tự như trên, yếu tố lỗi của các bên được xem là quy định mới trong luật hôn nhân và gia đình khi phân chia tài sản chung của vợ chồng. Mặc dù vậy, yếu tố lỗi được hướng dẫn rất chung chung theo đó “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn” [14]. Hướng dẫn nêu trên mới chỉ dừng lại ở việc diễn giải nội dung quy định trên, do đó nội dung trên chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tình tiết thuộc yếu tố trên mà chưa có ý nghĩa trong việc xác định, định lượng theo tỷ lệ phần trăm các bên được hưởng. Do đó, xảy ra sự thiếu thống nhất trong nhiều trường hợp phần lỗi như nhau khi nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do người chồng ngoại tình, nhưng có Tòa án xác định chia cho người vợ 55%, có Tòa án lại xác định chia cho người vợ 60%… trong khối tài sản chung.

Ngoài ra theo nội dung hướng dẫn nêu trên, thì chỉ những lỗi trực tiếp dẫn đến vợ chồng ly hôn mới xem xét làm căn cứ chia tài sản chung của vợ chồng, vậy những lỗi không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì sẽ không được xem xét, quy định như trên sẽ dẫn đến sự bất hợp lý như sau: Người chồng là người nghiện ma túy thường xuyên đánh đập, phá tán tài sản để thỏa mãn nhu cầu nghiện hút, tuy nhiên người vợ vì thương con cái nên vẫn chịu đựng chung sống nhiều năm. Thời gian sau, người vợ phát sinh tình cảm với người đàn ông khác và có quan hệ tình cảm. Người chồng phát hiện và làm đơn ly hôn. Tòa án xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vợ chồng ly hôn là do người vợ ngoại tình và theo đúng tinh thần nội dung hướng dẫn trên thì người vợ sẽ được chia tài sản ít hơn, bởi điều luật chỉ hướng tới lỗi dẫn đến việc ly hôn nên việc người chồng có lỗi trong quá trình chung sống sẽ không được đề cập xem xét là điều bất hợp lý.

Muốn pháp luật được áp dụng hiệu quả thì yêu cầu trước tiên được đặt ra là các quy định của pháp luật phải có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn xã hội, các nội dung điều luật phải rõ ràng, cụ thể, không chồng chéo, mâu thuẫn. Bài viết thể hiện quan điểm của chúng tôi trong quy định pháp luật hiện hành về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, chúng tôi rất mong nhận được sự phản hồi, ý kiến đóng góp của quý bạn đọc.

Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án

6449

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]