Thông tư 69/2024/TT-BQP ngày 14/10/2024 do Bộ Quốc phòng ban hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Theo đó, nguyên tắc sử dụng xe quân sự và điều kiện xe quân sự tham gia giao thông được quy định như sau:
Theo Điều 26 Thông tư 69/2024/TT-BQP, việc sử dụng xe quân sự cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
(1) Đối với người điều khiển xe quân sự:
- Có giấy phép lái xe quân sự phù hợp với loại xe theo quy định;
- Trường hợp điều khiển xe mang biển số quân sự phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; được phép sử dụng giấy phép lái xe dân sự;
- Phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng về điều khiển xe quân sự khi tham gia giao thông.
(2) Đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng:
- Nếu chưa có giấy phép lái xe, phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
- Có chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
- Phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng về điều khiển xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông.
(3) Trường hợp xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn, xe bánh xích; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ trong điều kiện bình thường phải thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và phải có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ theo quy định của pháp luật.
(4) Trường hợp xe chở hàng trái phép bị tạm giữ hàng hóa, phương tiện thì chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Người điều khiển xe nếu vi phạm các quy định khi tham gia giao thông, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
(5) Lực lượng kiểm tra xe quân sự, kiểm soát quân sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, kiểm tra các hoạt động của xe quân sự; xe mang biển số dân sự của các doanh nghiệp Quân đội tham gia giao thông. Khi phát hiện hành vi vi phạm thì chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng.
(6) Chỉ huy cơ quan, đơn vị các cấp chịu trách nhiệm về việc sử dụng xe quân sự do cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Theo quy định Điều 27 Thông tư 69/2024/TT-BQP, khi tham gia giao thông, xe quân sự cần đảm bảo những điều kiện tương ứng với từng loại xe như sau:
- Đối với xe cơ giới:
+ Biển số xe;
+ Chứng nhận đăng ký;
+ Tem kiểm định còn hiệu lực;
+ Hệ thống số phụ;
+ Giấy công tác xe;
+ Đối với xe vận chuyển hàng hóa phải có chứng từ hàng hóa. Trường hợp đặc biệt thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Đối với xe máy chuyên dùng: tương tự như xe cơ giới nhưng không cần phải có hệ thống số phụ.
- Đối với trường hợp thực hiện nhiệm vụ đào tạo thực hành lái xe, ngoài các quy định dành cho xe cơ giới thì cần phải có Giấy phép xe tập lái và Biển xe tập lái.
- Đối với trường hợp chạy kiểm tra, thử nghiệm:
+ Lệnh sửa chữa hoặc kế hoạch chạy kiểm tra, thử nghiệm được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Biển báo “Xe chạy thử” có nền đỏ, chữ trắng (kích thước 297 mm x 210 mm) treo phía trước và phía sau xe.
- Đối với xe cơ giới phục vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước:
+ Biển số xe;
+ Chứng nhận đăng ký theo quy định tại Mẫu số 04a, Mẫu số 04b Phụ lục I kèm theo Thông tư 69/2024/TT-BQP;
+ Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.
- Đối với xe mang biển số dân sự của doanh nghiệp Quân đội thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo Điều 25 Thông tư 69/2024/TT-BQP quy định về quản lý xe quân sự như sau:
Quản lý xe quân sự
1. Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật là cơ quan tham mưu, giúp Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ đạo thực hiện quản lý số lượng, chất lượng, chủng loại, sự đồng bộ của xe quân sự, xe mang biển số dân sự của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ quốc phòng.
2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:
a) Quản lý số lượng, chất lượng, chủng loại xe quân sự, xe mang biển số dân sự trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình quản lý;
b) Điều động, phân nhóm và xác định trạng thái sử dụng và sự đồng bộ xe quân sự trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền.
3. Cơ quan xe - máy hoặc cơ quan xe máy - vận tải các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm duy trì hệ số kỹ thuật, nâng cao chất lượng quản lý xe quân sự theo quyết định của người chỉ huy và hướng dẫn của cơ quan xe - máy cấp trên.
Như vậy, Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật là cơ quan tham mưu, giúp Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ đạo thực hiện quản lý xe quân sự phạm vi quản lý của Bộ quốc phòng.
Đồng thời, các thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trực tiếp về việc quản lý, điều động và duy trì chất lượng xe quân sự theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình.