15/01/2024 08:24

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán? Người Việt Nam đón Tết thế nào?

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán? Người Việt Nam đón Tết thế nào?

Tôi muốn hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán, mong Ban biên tập giải đáp. Bạn Ngọc Trâm (Sóc Trăng).

Chào bạn, Ban biên tập xin được trình bày nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán như sau:

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán (Còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, hay đơn giản là Tết) là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, là thời điểm khí trời dần chuyển mình từ mùa đông buốt giá sang đến mùa xuân tràn đầy nắng và gió, là một khởi đầu mới tràn ngập niềm vui và ước nguyện.

Vậy Tết Nguyên Đán bắt đầu từ khi nào? Cho đến ngày nay vẫn chưa có đầy đủ tài liệu để xác định nguồn gốc ngày Tết Nguyên Đán, nhưng chúng ta đều biết ngày Tết đã có từ thời rất xa xưa, từ thời dân gian lan truyền những câu chuyện về vua Hùng đặt sính lễ một trăm nệp bánh chưng để chọn ra phò mã trong truyền thuyết về Sơn Tinh và Thủy Tinh, hay câu chuyện về chàng Lang Liêu nấu bánh chưng, bánh dầy. Xuyên suốt qua bao nhiêu năm tháng, qua từng thời đại thì Tết Nguyên Đán vẫn là ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lòng người dân Việt Nam.

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán

Với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên Đán là dịp con cháu tụ họp, đoàn viên trong gia đình. Rời xa gia đình để tìm kiếm phát triển sự nghiệp, nhưng Tết đến thì dù con cháu đi làm ăn xa đến cách mấy vẫn sẽ về đoàn tụ, ăn Tết cùng gia đình. Những bữa cơm gia đình trong những dịp Tết đến luôn luôn tràn ngập bầu không khí hân hoan, vui vẻ và đâm ấm.

Ngày Tết, người dân Việt Nam luôn đươc ấm no và hạnh phúc, không kể giàu sang hay nghèo khó. Kể cả dù có là phạm nhân đi chăng nữa, thì họ vẫn được hưởng một cái Tết trọn vẹn trong trại giam. Pháp luật Việt Nam luôn không khoan nhượng trước những kẻ phạm tội, nhưng đối với ngày Tết thì khác. Bữa ăn của phạm nhân trong các trại giam được nâng cao tiêu chuẩn lên gấp 5 lần tiêu chuẩn thương ngày (Điều 48 Luật thi hành án hình sự 2019) và được gặp gỡ người thân trong gia đình (Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA).

Trong những ngày nghỉ Tết, người lao động đều được hưởng lương mà không phải làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019, cụ thể:

Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

...

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

...

Tết còn là dịp cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ, và hòa mình trong bầu không khí đầm ấm vui tươi khi năm mới đến. Hàng năm, người người nhà nhà đổ xô ra đường xem bắn pháo hoa mừng năm mới, và tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Người Việt Nam đón Tết như thế nào?

Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Tất niên, Giao thừa và Tân niên.

(1) Tất niên (từ ngày 30 tháng Chạp nếu là năm đủ hoặc 29 tháng Chạp nếu là năm thiếu)

Tất niên hay cúng tất niên, lễ tất niên, tiệc tất niên là một nghi thức nhằm ghi nhận việc kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Tất niên là một phần trong nghi thức Tết diễn ra vào những ngày cuối năm âm lịch, được gọi là ngày tất niên. Đây là ngày các thành viên trong gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên.

(2) Giao thừa (Giữa ngày 30 hoặc 29 tháng Chạp và ngày Mồng 1 tháng Giêng, từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau)

Theo truyền thống, Giao thừa âm lịch được cho là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới - một̀ thời điểm quan trọng, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới.

Theo phong tục của dân tộc Việt Nam từ cổ xưa, vào lúc tất niên và giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà chuẩn bị chu đáo để đón người đến xông đất, mang tài thần vào nhà.

Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà.

Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang, không nơi nương tựa.

(3) Tân niên (ngày đầu năm mới)

Ngày mồng một tháng giêng là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. 

Không kể những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, vào sáng sớm ngày này, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. 

Ngày mồng 2 tháng giêng  là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm.

Ngày mồng 3 tháng Giêng là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết. Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.

Trâm trọng!

Đỗ Minh Hiếu
1439

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]