16/10/2019 07:47

Người thứ ba bị vợ đánh ghen có được bồi thường danh dự?

Người thứ ba bị vợ đánh ghen có được bồi thường danh dự?

Hiện nay, tình trạng ngoại tình của các cặp vợ chồng ngày càng nhiều. Nguyên nhân có thể do chồng có tính đào hoa, có vợ rồi vẫn tán tỉnh những người phụ nữ khác hoặc nhiều trường hợp người phụ nữ biết người đàn ông đã có vợ con nhưng vẫn cố tình tán tỉnh, dụ dỗ...

Để khi người vợ nghi ngờ hoặc bắt ngay tại trận thì người vợ thường mất bình tĩnh mà đánh ghen người được xem là nhân tình của chồng. Nhiều trường hợp đã bị nhân tình (người thứ ba) khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự. Vậy trường hợp này người vợ có phải bồi thường danh dự cho người thứ ba không?

Điển hình tại Bản án 06/2019/DS-PT ngày 15/02/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm phạm, theo đó:

“Ngày 12/02/2017, chị D biết được chồng chị là anh Đặng Văn N và chị Phan Thị H rủ nhau đi chơi nên chị đứng gần nhà chị H để bắt quả tang nhưng do trời tối nên chị D có kêu thêm 02 người chị đi cùng là Lê Hồng D1 và Lê Thị Kiều D2, đợi đến 22 giờ cùng ngày thì chị D thấy anh N chở chị H về, chị D liền ra chặn đầu xe máy của anh N, chị D thấy chị H đang mặc áo khoác của anh N nên chị D giằng co với chị H để kéo áo khoác ra và có kéo quần của chị H xuống nhưng kéo được một chút thì chị H kéo lên, trong lúc giằng co chị D có dùng kéo cắt tóc của chị H.

Chị Phan Thị H cho rằng trong lúc xô xát, chị D đã dùng kéo cắt trúng vào ngón tay của chị H, dẫn đến hậu quả chị H bị thương tích phải điều trị vì vậy chị H khởi kiện yêu cầu chị D, chị D1 và chị D2 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩn và uy tín cho chị.

Chị D chỉ đồng ý bồi thường tiền thuốc theo toa vé hợp lệ, còn ngày công lao động và bồi thường danh dự, nhân phẩm thì chị D không đồng ý bồi thường.

Tòa án đã nhận định: Chị H biết rất rõ anh N đã có gia đình nhưng vẫn để anh N chồng chị D chở đi chơi vào lúc đêm khuya và còn mặc áo khoác của anh N, không để ý đến cảm nhận của chị D, nên có phần lỗi của chị H. Chị Lê Thị Mỹ D thừa nhận khi thấy chị H mặc áo khoác của anh N thì chị D đã dùng tay cởi áo khoác trên người chị H ra và kéo khóa quần của chị H xuống; mặc dù chị D mới kéo khóa quần xuống được một chút thì chị H đã kéo lên, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng hành vi của chị D là trái với quy định của pháp luật, gây tổn thất về tinh thần cho chị H. Vì vậy, chị Lê Thị Mỹ D phải bồi thường cho chị H một tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định là: 01 x 1.390.000đ = 1.390.000đ.”

Như vậy, trong trường hợp này Tòa án đã xác định vụ việc này có phần lỗi của nạn nhân khi chị D bắt được cảnh chị H mặc áo của anh N và việc đánh ghen chưa đến mức nghiêm trọng nên Tòa tuyên mức bồi thường về tổn thất danh dự, tinh thần chỉ là 1 tháng lương cơ sở.

So sánh với một Bản án khác, Bản án 108/2018/HS-PT ngày 14/08/2018 về tội làm nhục người khác, theo đó:

Nguyễn Thị L1 nghi ngờ chồng mình là Đinh Viết Đông có quan hệ nam nữ bất chính với chị Cao Thị Ng nên L1 đã chuẩn bị 01 chiếc kéo, 03 đôi găng tay, 01 nắm lá cây ngứa bỏ và rủ 4 đối tượng khác cùng đi đánh ghen.

Khi xuống đến nhà chị Ng thì cả 05 người trên xông đến giật tóc, chửi bới chị Ng, kéo và đẩy chị Ng ra đường thôn. Chị L1 tiếp tục dùng kéo cắt tóc, lột quần của chị Ng ra và dùng 01 nắm lá cây ngứa đã chuẩn bị từ trước chà xát nhiều lần vào bộ phận sinh dục của chị Ng khiến chị Ng đau và kêu cứu" .

Tòa án đã tuyên: Chị L cùng 4 đối tượng trên ngoài phải liên đới bồi thường các khoản thuốc men, tiền công người chăm sóc, tiền công mất thu nhập thì còn phải bồi thường cho chị Ng khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần do uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm là 10 tháng lương cơ sở tương đương 13.900.000đ.

Chiếu theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì:

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì khi có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác thì phải bồi thường (không có ngoại lệ cho việc đánh ghen người thứ ba). Mức bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở. Nhưng Tòa án sẽ thường căn cứ vào mức độ lỗi và mức độ bị xâm phạm về danh dự nhân phẩm của người bị đánh ghen để đưa ra mức bồi thường cụ thể.

Nguyễn Sáng
3689

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn