30/07/2024 17:42

Người thân bệnh nhân có quyền được xem hồ sơ bệnh án không?

Người thân bệnh nhân có quyền được xem hồ sơ bệnh án không?

Người thân bệnh nhân có được xem hồ sơ bệnh án không? Mẫu đề nghị cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án mới nhất hiện nay

1. Người thân của bệnh nhân có được xem hồ sơ bệnh án không? 

Căn cứ điểm d, đ khoản 4 Điều 69 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định như sau:

Điều 69. Hồ sơ bệnh án

  1. Việc khai thác hồ sơ bệnh án đã hoàn thành quá trình điều trị và được chuyển lưu trữ được thực hiện như sau:

d) Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 8 của Luật này được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án và được cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản;

Như vậy, người thân của bệnh nhân sẽ được xem, đồng thời cũng được sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án và được cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khi có yêu cầu bằng văn bản nếu người thân là người đại diện có năng lực hành vi dân sự, bao gồm:

- Người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc người được pháp nhân phân công mà pháp nhân đó chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

2. Mẫu đề nghị cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án mới nhất năm 2024

Mẫu đề nghị cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan đều là Mẫu 53/BV2 quy định tại Phụ lục số XXIX ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT.

Tải Mẫu đề nghị cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án mới nhất năm 2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/ms-53-BV2.docx

3. Đối tượng nào được khai thác hồ sơ bệnh án của bệnh nhân?

* Đối tượng được khai thác hồ sơ bệnh án đang trong quá trình điều trị:

- Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu viên của các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo, người hành nghề, người trực tiếp tham gia điều trị người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đọc nhưng chỉ được sao chép khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Người hành nghề của cơ sở khác được đọc, sao chép khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

* Đối tượng được khai thác hồ sơ bệnh án đã hoàn thành quá trình điều trị và được chuyển lưu trữ:

- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư của người bệnh được tiếp cận, cung cấp hồ sơ bệnh án để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu viên của các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc, ghi chép hoặc đề nghị cấp bản sao phục vụ nhiệm vụ được giao khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 được đọc, xem, sao chụp, ghi chép hồ sơ bệnh án và được cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản.

- Người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a và điểm d khoản 2 Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 được cung cấp bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản.

(Quy định tại khoản 3, 4 Điều 69 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023).

4. Quy định về sử dụng hồ sơ bệnh án, ghi chép hồ sơ bệnh án

Căn cứ tại Điều 52 Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định về sử dụng hồ sơ bệnh án, ghi chép hồ sơ bệnh án như sau:

- Quy định về sử dụng hồ sơ bệnh án:

+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng hồ sơ bệnh án theo hình thức bệnh án giấy hoặc bệnh án điện tử.

+ Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng bệnh án điện tử phải bảo đảm có đầy đủ nội dung các trường thông tin của hồ sơ bệnh án.

- Quy định về ghi chép hồ sơ bệnh án:

+ Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ các thông tin trong hồ sơ bệnh án, kết quả khám bệnh, cận lâm sàng, thăm dò chức năng, quá trình chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và những thông tin khác có liên quan trong quá trình chữa bệnh của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Việc ghi chép phải tuân thủ các nội dung, hướng dẫn chuyên môn đã được ban hành;

+ Sử dụng các từ ngữ rõ ràng, khoa học, trình bày dễ hiểu, dễ đọc. Không được sử dụng chữ viết tắt trong các tài liệu cung cấp cho người bệnh bao gồm: bản tóm tắt hồ sơ bệnh án, tài liệu bàn giao cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác, giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giấy hẹn khám lại. Đối với các chữ viết tắt phải theo danh sách ký hiệu, chữ viết tắt được dùng trong hồ sơ bệnh án đã được xây dựng, ban hành sử dụng thống nhất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Thông tin trong hồ sơ bệnh án cần thể hiện rõ thời gian và người ghi chép.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1107

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]