19/09/2023 16:37

Người quản lý doanh nghiệp Nhà nước bị miễn nhiệm khi nào?

Người quản lý doanh nghiệp Nhà nước bị miễn nhiệm khi nào?

Người quản lý doanh nghiệp Nhà nước có bị miễn nhiễm không? Nếu có thì bị miễn nhiệm trong trường hợp nào? Ánh Hồng – Nghệ An.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Người quản lý doanh nghiệp Nhà nước bị miễn nhiệm khi nào?

Theo quy định khoản 18 Điều 1 Nghị định 69/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 159/2020/NĐ-CP về các trường hợp miễn nhiệm gười quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước:

- Việc xem xét miễn nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước được thực hiện trong các trường hợp sau:

+ Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà cấp có thẩm quyền xác định là năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

+ Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một thời hạn bổ nhiệm.

+ Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của Đảng.

Đối tượng, quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

+ Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

+ Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.

+ Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

+ Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước là người đứng đầu để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

- Quy trình xem xét miễn nhiệm:

+ Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định 159/2020/NĐ-CP, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ có trách nhiệm trao đối với người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; đối với người đại diện phần vốn nhà nước thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm thực hiện công việc này.

+ Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc. Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phải thảo luận, xác định rõ căn cứ miễn nhiệm theo đề xuất của cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ trước khi biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm phải được từ 50% trở lên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định; trường hợp đạt tỷ lệ dưới 50% thì báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, quyết định.

+ Người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước bị miễn nhiệm không được hưởng lương theo chức vụ, chức danh kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm. Sau khi bị miễn nhiệm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét bố trí công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo nguyên tắc không bố trí chức vụ tương đương hoặc cao hơn; người bị miễn nhiệm có trách nhiệm chấp hành quyết định phân công của cấp có thẩm quyền. Trường hợp bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong 02 năm liên tiếp thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật.”.

Như vậy, người quản lý doanh nghiệp nhà nước bị miễn nhiệm trong các trường hợp: Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp; xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp; suy thoái về chính trị, đạo đức,….

2. Trường hợp xem xét cho thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước

Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 159/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 69/2023/NĐ-CP về cấp có thẩm quyền xem xét cho thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có đơn xin thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước trước thời hạn và được cơ quan chủ sở hữu đồng ý;

- Cơ quan chủ sở hữu hết vốn tại tập đoàn, tổng công ty, công ty;

- Không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện của người đại diện phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;

- Có hai năm liên tiếp xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

- Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn làm người đại diện phần vốn nhà nước;

- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;

- Theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử người đại diện khi có lý do cho thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

Đồng thời, quy trình xem xét cho thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước sẽ được thực hiện như sau:

- Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận đơn xin thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước trước thời hạn hoặc có đủ căn cứ cho thôi đại diện vốn nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

- Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc cho thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước của cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định cho thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước do cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định

Như vậy, cấp có thẩm quyền xem xét cho thôi làm người đại diện phần vốn Nhà nước trong các trường hợp: tự nguyện xin thôi; mất tiêu chuẩn, điều kiện; không hoàn thành nhiệm vụ; bị kỷ luật; theo quyết định của cấp có thẩm quyền….

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
180

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn