24/06/2024 17:26

Người mắc 15 căn bệnh này sẽ không được lái xe hạng B1

Người mắc 15 căn bệnh này sẽ không được lái xe hạng B1

Người điều khiển phương tiện giao thông phải đảm bảo đủ sức khoẻ quy định. Như vậy thì mắc bệnh gì thì không được lái xe hạng B1? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Người mắc những căn bệnh nào sẽ không được lái xe hạng B1?

Tại khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định rằng, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008 và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Cụ thể, người lái xe tham gia giao thông phải có đủ sức khỏe theo quy định trên là người có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe.

Theo đó, tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT có quy định, người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây thì không đủ điều kiện để lái xe hạng xe B1, bao gồm:

(1) Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 06 tháng.

(2) Rối loạn tâm thần mãn tính không điều khiển được hành vi.

(3) Động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất (không/có dùng thuốc điều trị).

(4) Liệt vận động từ hai chi trở lên.

(5) Hội chứng ngoại tháp.

(6) Rối loạn cảm giác sâu.

(7) Chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý.

(8) Thị lực nhìn xa hai mắt: < 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

(9) Nếu còn một mắt, thị lực <5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

(10) Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây.

(11) Song thị kể cả có điều chỉnh bằng lăng kính.

(12) Block nhĩ thất độ II hoặc có nhịp chậm kèm theo các triệu chứng lâm sàng (kể cả đã được điều trị nhưng không ổn định).

(13) Suy tim độ III trở lên (theo phân loại của Hiệp hội tim mạch New York - NYHA).

(14) Các bệnh, tật gây khó thở mức độ III trở lên (theo phân loại mMRC).

(15) Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 01 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng).

Như vậy, người nào mắc một trong 15 bệnh trên thì sẽ không được lái xe hạng B1. Ngoài ra, người nào sử dụng các chất ma túy hoặc sử dụng chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định thì cũng không được phép lái bất cứ loại xe nào.

2. Bao nhiêu tuổi phép lái xe hạng B1? Bằng B1 được lái những loại xe gì?

Căn cứ quy định tại Điều 59 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, độ tuổi được phép lái xe theo các B1 như sau: Người đủ 18 tuổi trở lên được phép lái xe hạng B1 bao gồm xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, xe ô tô tải và máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

Bên cạnh đó, tại khoản 5, khoản 6 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về phân hạng giấy phép lái xe quy định, bằng B1 được lái những loại xe sau:

- Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

+ Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

+ Ô tô dùng cho người khuyết tật.

- Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:

+ Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;

+ Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;

+ Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.

Ngoài ra, người có giấy phép lái xe các hạng B1 khi điều khiển các loại xe tương ứng được kéo thêm một rơ moóc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.

3. Điều kiện tham gia giao thông của xe ô tô

Theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định  Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:

- Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

- Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

- Tay lái của xe ô tô ở bên trái của xe; trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ;

- Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

- Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

- Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển;

- Kính chắn gió, kính cửa là loại kính an toàn;

- Có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật;

- Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

- Các kết cấu phải đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định.

Ngoài ra, xe ô tô hải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
318

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]