Ngày 29/6/2024, Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Theo đó, Luật này quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội… và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
…
Hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
…
Như vậy, từ 01/07/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Điểm khác biệt quan trọng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên (thay vì đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng như trước đây) kể cả các trường hợp thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng thể hiện quan hệ làm việc có trả công và sự quản lý, điều hành của một bên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì người tham gia bảo hiểm xã hội có các quyền sau đây:
(1) Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
(2) Được cấp sổ bảo hiểm xã hội;
(3) Được cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu;
(4) Yêu cầu người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình theo quy định của pháp luật;
(5) Được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;
(6) Chủ động đi khám giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được thanh toán phí giám định y khoa khi kết quả giám định y khoa đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
(7) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều quyền lợi như: được hưởng các chế độ bảo hiểm, cấp sổ bảo hiểm, nhận thông tin đóng bảo hiểm định kỳ, được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội...