09/06/2022 08:54

Người kháng cáo không nhất thiết phải gửi chứng cứ cho Tòa án cấp sơ thẩm

Người kháng cáo không nhất thiết phải gửi chứng cứ cho Tòa án cấp sơ thẩm

Sau khi đọc bài “Tòa án sơ thẩm có quyền từ chối nhận chứng cứ trong thời gian tòa án phúc thẩm xét kháng cáo quyết định tạm đình chỉ?” của TS. Đặng Thanh Hoa đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 31/5/2022, tôi xin trao đổi quan điểm về vấn đề tác ra nêu ra.

Theo nội dung bài viết, sau khi Tòa án ra Quyết định tạm ngừng phiên tòa và do đã hết thời hạn 01 tháng mà lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục nên Tòa án đã ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Sau đó, nguyên đơn đã kháng cáo Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Vấn đề TS. Đặng Thanh Hoa đề cập để trao đổi đó là trong thời gian Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết đơn kháng cáo, nguyên đơn có giao nộp thêm các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn đã thu thập bổ sung dựa trên căn cứ mà Tòa án đã tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm và chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án (nhưng không liên quan đến việc giải quyết kháng cáo). Tuy nhiên, Thẩm phán giải quyết vụ án đã từ chối tiếp nhận việc giao nộp tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn giao nộp. Vậy việc Thẩm phán từ chối nhận tài liệu, chứng cứ của đương sự giao nộp hiện có đúng không. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan, tôi có ý kiến như sau:

Thứ nhất, một trong những quyền của đương sự được quy định tại Điều 70 của BLTTDS năm 2015 là quyền được “Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Tại Điều 96 của BLTTDS năm 2015 cũng quy định rằng:  Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.  Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ. Như vậy, qua các quy định trên thấy rằng quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án của đương sự là được thực hiện xuyên suốt trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, không bị giới hạn bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Còn những tài liệu, chứng cứ mà đương sự giao nộp cho Tòa án có hợp pháp được Tòa án chấp nhận và có bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ hay hay không thì do Tòa án xem xét, đánh giá trong quá trình giải quyết vụ án.

Thứ hai, tại các khoản 7, 8 Điều 272 của BLTTDS năm 2015 có quy định như sau: Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết. Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp. Theo nội dung tình huống thì trong thời gian Tòa án cấp phúc thẩm đang thụ lý xem xét đơn kháng cáo của nguyên đơn thì nguyên đơn có thu thập được những chứng cứ có liên quan đến căn cứ tạm ngừng phiên tòa của Tòa án cấp sơ thẩm và chứng cứ khác chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và giao nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm.

Do đó, có thể thấy trong số chứng cứ mà nguyên đơn muốn giao nộp cho Tòa án có những chứng cứ nguyên đơn muốn chứng minh cho kháng cáo của nguyên đơn là có căn cứ. Tức là nguyên đơn muốn Tòa án cấp phúc thẩm hủy quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục phiên tòa vì cho rằng những chứng cứ này đã đủ căn cứ để tiếp tục phiên tòa nên việc Tòa án tạm đình là không cần thiết, có thểm ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn. Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì nguyên đơn là người kháng cáo có quyền gửi tài liệu, chứng cứ có liên quan đến đơn kháng cáo của nguyên đơn cho Tòa án cấp sơ thẩm. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm có nghĩa vụ phải tiếp nhận những tài liệu, chứng cứ này, để sau đó chuyển toàn bộ tài liệu chứng cứ này cho Tòa án cấp phúc thẩm để xem xét trong quá trình giải quyết đơn kháng cáo theo quy định.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của nguyên đơn là người kháng cáo muốn giao nộp chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo là để Tòa án cấp phúc thẩm hủy Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm. Nguyên đơn cũng đã biết rõ là Tòa án cấp phúc thẩm đang thụ lý, xem xét đơn kháng cáo của nguyên đơn, việc giao nộp chứng cứ cho Tòa án cấp phúc thẩm cũng không trở ngại gì đối với nguyên đơn (vì có thể gửi trực tiếp hoặc bằng bưu điện). Cho nên nguyên đơn hoàn toàn có quyền và có đủ điều kiện để giao nộp những chứng cứ có liên quan đến đơn kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm, không nên quá cứng nhắc phải giao nộp chứng cứ cho Tòa án cấp sơ thẩm. Vì Tòa án cấp phúc thẩm không có lý do gì không nhận những chứng cứ do người kháng cáo giao nộp.

Đối với những chứng cứ không liên quan đến kháng cáo nhưng nguyên đơn muốn giao nộp bổ sung nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án thì theo quy định như đã phân tích là nguyên đơn có quyền nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm phải nhận những chứng cứ này. Còn việc Tòa án cấp sơ thẩm có chuyển chứng cứ này cùng với chứng cứ có liên quan đến kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm để lưu vào hồ sơ vụ án hay không thì không bắt buộc. Trường hợp, Tòa án cấp sơ thẩm không gửi thì sau khi nhận được hồ sơ vụ án do Tòa án cấp phúc thẩm chuyển về thì Tòa án cấp sơ thẩm sẽ lưu chứng cứ này vào hồ sơ vụ án và tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định.

Tóm lại, tôi đồng ý là Tòa án cấp sơ thẩm (cụ thể là Thẩm phán được phân công giải quyết) từ chối tiếp nhận chứng cứ do nguyên đơn, đồng thời là người kháng cáo quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án là không đúng quy định. Tuy nhiên, qua tình huống trao đổi nêu trên, có thể rút kinh nghiệm một số ý như sau:

Một là, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật có liên quan đến vụ án, trong đó là quy định liên quan đến việc giao nhận tài liệu, chứng cứ trong vụ án.

Hai là, trường hợp Thẩm phán muốn đương sự nộp trực tiếp chứng cứ cho Tòa án cấp phúc thẩm thì cần làm việc trực tiếp với đương sự và giải thích cho đương sự rõ những chứng cứ có liên quan đến kháng cáo trước hay sau gì cũng phải chuyển đến Tòa án cấp phúc thẩm để xem xét trong quá trình xét đơn kháng cáo của nguyên đơn. Cho nên việc nguyên đơn gửi chứng cứ cho Tòa án cấp phúc thẩm trong trường hợp này có thể sẽ thuận tiện hơn. Để từ đó, đương sự hiểu và đồng thuận với Thẩm phán, hạn chế việc khiếu nại không cần thiết đối với hành vi tố tụng của Thẩm phán.

Trên đây là một số ý kiến của cá nhân xin trao đổi cùng tác giả bài viết và đồng nghiệp.

DƯƠNG TẤN THANH (Phó Chánh án TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

869

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn