27/12/2023 08:00

Người dưới 18 tuổi xúc phạm người khác xử phạt như thế nào?

Người dưới 18 tuổi xúc phạm người khác xử phạt như thế nào?

Tôi muốn hỏi rằng người dưới 18 tuổi thì có bị xử phạt vi phạm hành chính khi xúc phạm người khác hay không? Nếu có thì mức phạt sẽ là bao nhiêu? Anh Thái Công (Lâm Đồng).

Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

Người dưới 18 tuổi xúc phạm người khác có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, các đối tượng bị xử phạt vị phạm hành chính bao gồm:

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm hành chính do cố ý;

- Người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi hành chính.

Như vậy, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi xúc phạm người khác do cố ý. 

Còn đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mọi hành vi xúc phạm người khác.

Cần lưu ý thêm rằng người dưới 14 tuổi sẽ không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, được quy định tại khoản 5 Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Người dưới 18 tuổi xúc phạm người khác bị phạt bao nhiêu tiền?

Đối với hành vi xúc phạm người khác, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, người có hành vi khiêu khích, trêu gẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

- Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi Khoản 68 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) như sau:

+ Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội;

+ Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên;

+ Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn;

+ Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp;

+ Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

+ Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

+ Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên;

+ Nếu bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

+ Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay

+Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ;

+ Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định theo chương II Phần thứ ba Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, mức tiền mà người dưới 18 tuổi phải nộp khi xúc phạm người khác sẽ là:

+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ không bị phạt tiền khi vi phạm;

+ Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức phạt sẽ không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên.

Ví dụ như đối với hành vi xúc phạm người khác, người từ đủ 18 tuổi trở lên bị xử phạt 2.000.000 đồng, thì đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mức phạt sẽ không quá 1.000.000 đồng.

Ngoài ra, việc phạt tiền chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ người vi phạm sửa chữa sai lầm.

Việc xử phạt còn phải căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp

Nếu như người dưới 18 tuổi vi phạm không có tiền nộp, thì cha mẹ hoặc người giám hộ có nghĩa vụ nộp thay.

Đỗ Minh Hiếu
1181

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn