Chính phủ ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Trong bổ sung các điện kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 11 điều kiện, bao gồm các vấn đề về kỹ thuật, tài chính, nhân sự, kết nối.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo khoản 1 Điều 39 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định liên quan đến người chơi trò chơi điện tử G1 trên mạng là người dưới 18 tuổi như sau:
Điều 39. Cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng
Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có đủ các điều kiện sau đây:
...
e) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;
g) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo và phát hành; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi trò chơi;
...
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định liên quan đến người chơi trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng là người dưới 18 tuổi như sau:
Điều 48. Cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng
1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận cung cấp trò chơi G2, G3, G4 trên mạng khi đáp ứng các điều kiện sau:
...
e) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;
g) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo trò chơi và khi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi;
...
Như vậy, từ ngày 25/12/2024 nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi.
Mỗi tài khoản chỉ được phép chơi một trò chơi tối đa 60 phút/ngày và tổng thời gian chơi của tất cả các trò chơi không được vượt quá 180 phút với tất cả các trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp.
Ngoài ra, đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe" tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị, với tần suất 30 phút/lần trong suốt quá trình chơi.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về phân loại trò chơi điện tử trên mạng như sau:
- Trò chơi G1: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp ;
- Trò chơi G2: Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp;
- Trò chơi G3: Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp;
- Trò chơi G4: Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp;
- Đối với các thể loại trò chơi điện tử trên mạng mới phát sinh không thuộc quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 37 Nghị định 147/2024/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất biện pháp quản lý trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.