29/12/2023 08:22

Người dưới 15 tuổi mua điện thoại bằng tiền mừng tuổi có cần cha mẹ đồng ý hay không?

Người dưới 15 tuổi mua điện thoại bằng tiền mừng tuổi có cần cha mẹ đồng ý hay không?

Cho tôi hỏi rằng người dưới 15 tuổi lấy tiền lì xì để mua điện thoại thì có cần ba mẹ cho phép hay không? Bạn Tiến Luật (Bình Dương).

Chào bạn, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

Người dưới 15 tuổi mua điện thoại bằng tiền mừng tuổi có cần cha mẹ đồng ý hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 thì người chưa thành niên theo quy định pháp luật được hiểu như sau:

- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Theo đó thì người dưới 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ trường hợp giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Khi người dưới 15 tuổi dùng tiền mừng tuổi để mua điện thoại, tức là đã thực hiện giao dịch dân sự, và việc mua điện thoại cũng không phải là giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người đó.

Cho nên khi mua điện thoại bằng tiền mừng tuổi, hoặc tiền tiết kiệm thì người dưới 15 tuổi đều cần phải được sự cho phép của người đại diện theo pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm:

+ Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

+ Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

+ Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 136 Bộ luật dân sự 2015.

+ Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

Vậy, người dưới 15 tuổi muốn được mua điện thoại bằng tiền mừng tuổi thì trước hết phải xin phép cha mẹ. Nếu cha mẹ đồng ý thì mới được phép mua điện thoại đem về sử dụng.

Trong trường hợp cha mẹ không đồng ý nhưng đã "trót" mua rồi thì có được trả lại không?

Tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Cùng với đó, căn cứ theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 đối với trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện, cụ thể:

1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự

Do việc giao dịch mua bán điện thoại không được xem là giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dưới 14 tuổi, nên cha mẹ có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch này là vô hiệu.

Khi được tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, thì 2 bên hoàn trả lại những gì nhận được trong quá trình mua bán, được quy định tại Điều 131 Bộ luật hình sự 2015.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
1967

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]