Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về việc sử dụng pháo hoa như sau:
Sử dụng pháo hoa
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo đó, người dân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được phép bắn pháo hoa trong dịp những dịp nghỉ lễ (Nghỉ lễ 30/4, lễ Quốc khánh 2/9,...) mà không cần phải thông qua sự cho phép của cơ quan tổ chức, cá nhân nào.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng người dân chỉ được bắn pháo hoa mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Theo điểm a khoản 2 ĐIều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì chỉ có nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng mới được phép sản xuất pháo hoa.
Ngoài ra, nhiều người hay có sự nhầm lẫn giữa pháo hoa (loại pháo người dân được phép bắn vào dịp nghỉ lễ) và pháo nổ. Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP có quy định rõ về 2 loại pháo này, cụ thể:
- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
+ Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
+ Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m;
+ Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP) thì pháo nổ chỉ được bắn bởi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số trường hợp khác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Do đó, người dân không được bắn các loại pháo nổ vào dịp nghỉ lễ, mà chỉ nên bắn pháo hoa để tuân thủ theo đúng với quy định pháp luật.
Nếu người dân có hành vi bắn pháo nổ vào ngày lễ Quốc khánh 2/9 hoặc những dịp nghỉ lễ khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bắn pháo hoa trái phép theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;
...
Bên cạnh đó,theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, nếu người dân có hành vi bắn pháo nổ vào dịp nghỉ lễ thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Nếu là tổ chức, số tiền phạt sẽ lên đến từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Trân trọng!