Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Điều 1 và Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định đối tượng và điều kiện được cấp giấy chứng nhận lương y như sau:
Về đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y như sau:
(1) Đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BYT trước ngày 30/06/2004 nhưng chưa được kiểm tra sát hạch.
(2) Đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30/06/2004.
(3) Đối tượng đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và được Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) trước ngày 30/06/2004.
(4) Đối tượng đã được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân 2003 được thay thế bởi Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 có phạm vi hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.
(5) Đối tượng đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên.
(6) Đối tượng có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư 13/1999/TT-BYT trước ngày 14/02/2004 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.
Về điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y như sau:
Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại (1) bao gồm:
- Có đủ 10 chứng chỉ học phần do cơ sở đào tạo y, dược hoặc Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền (Viện, bệnh viện y học cổ truyền) phối hợp với trường trung cấp hoặc cao đẳng y tế, Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội Đông y tỉnh) tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa và cấp trước ngày 30/06/2004. Các chứng chỉ học phần bao gồm:
+ Lý luận cơ bản về y học cổ truyền;
+ Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh nội khoa;
+ Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh ngoại khoa;
+ Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh nhi khoa;
+ Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh phụ khoa;
+ Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh ngũ quan;
+ Chứng chỉ điều trị bằng những phương pháp không dùng thuốc;
+ Chứng chỉ dược liệu học;
+ Chứng chỉ về bào chế;
+ Chứng chỉ về các bài thuốc cổ phương.
- Trình độ học vấn: Người sinh trước ngày 01/01/1960 và dân tộc ít người phải đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ; người sinh từ ngày 01/01/1960 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương;
- Có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư này.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại (2) bao gồm:
- Có giấy chứng nhận lương y chuyên sâu do Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp trước ngày 30/06/2004;
- Đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BYT.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại (3) bao gồm:
- Có giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) do Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp trước ngày 30 tháng 6 năm 2004;
- Đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BYT.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại (4) bao gồm:
Người có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề được cấp theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân 2003 được thay thế bởi Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, trong đó phạm vi hành nghề là khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại (5) bao gồm:
- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp từ đủ 30 năm trở lên:
+ Nếu người khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế cấp xã thì phải được Trưởng Trạm y tế xác nhận bằng văn bản; căn cứ để xác nhận dựa vào hợp đồng lao động hoặc giấy tờ khác chứng minh đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, không có sai sót về chuyên môn và được người bệnh tín nhiệm;
+ Nếu người khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì phải được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó xác nhận;
+ Người xác nhận quy định tại điểm này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận của mình.
- Có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên tính đến ngày 26/11/2015.
Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại (6) bao gồm:
Đạt kết quả kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư 13/1999/TT-BYT nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.
Như vậy, nếu người có bài thuốc gia truyền đáp ứng một trong những điều kiện trên thì có thể được cấp giấy chứng nhận lương y theo quy định của Thông tư 02/2024/TT-BYT.
Theo quy định tại Điều 21 và Điều 23 Thông tư 02/2024/TT-BYT thì quy trình cấp giấy chứng nhận lương y cho người có bài thước gia truyền thực hiện như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT.
Mẫu số 01 Phụ lục II: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-so-01.docx
- Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT.
Mẫu số 03 Phụ lục II: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-so-03.docx
- Bản sao hợp lệ kết quả thử độc tính cấp và bán trường diễn đối với bài thuốc gia truyền.
- Bản sao hợp pháp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).
Quy trình nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y
Bước 1. Người đề nghị cấp giấy chứng nhận gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tới cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú qua bưu điện hoặc trực tiếp hoặc qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bước 2. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT.
Mẫu số 02 Phụ lục II: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-so-02.docx
Bước 3. Thủ tục sửa đổi, bổ sung hồ sơ
- Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho người đề nghị cấp giấy chứng nhận để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
- Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà người đề nghị cấp giấy chứng nhận không sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận không còn giá trị. Người đề nghị nộp lại hồ sơ đề nghị theo quy định tại Điều 21 Thông tư 02/2024/TT-BYT nếu có nhu cầu.
- Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức Hội đồng để thẩm định.
Bước 4. Thời hạn cấp
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản họp Hội đồng thẩm định, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT hoặc ban hành văn bản về việc từ chối cấp giấy chứng nhận và nêu rõ lý do từ chối.
Mẫu số 04 Phụ lục II: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/Mau-so-04.docx