05/04/2024 09:21

Người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được đảm bảo chế độ ăn uống theo tiêu chuẩn thế nào?

Người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được đảm bảo chế độ ăn uống theo tiêu chuẩn thế nào?

Xin cho tôi hỏi: Chế độ ăn uống đối với người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được đảm bảo theo tiêu chuẩn như thế nào? Mong được giải đáp! “chị Lan - Phú Yên”

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được đảm bảo chế độ ăn uống theo tiêu chuẩn thế nào?

Căn cứ Điều 28 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn định lượng ăn uống của người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính như sau:

Điều 28. Chế độ ăn uống của người bị tạm giữ

1. Trường hợp người bị tạm giữ hoặc gia đình họ không thể tự đảm bảo được thì cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính có trách nhiệm bảo đảm chế độ ăn uống cho người bị tạm giữ theo tiêu chuẩn định lượng mỗi người một ngày là 0,6 kg gạo tẻ thường; 0,1 kg thịt lợn; 0,5 kg rau; 01 lít nước uống được đun sôi để nguội; nước mắm, muối, chất đốt phù hợp. Chế độ này do ngân sách nhà nước cấp và được quy ra tiền theo thời giá thị trường ở từng địa phương trong từng thời điểm.

2. Chế độ đối với người bị tạm giữ trong các ngày lễ, Tết được thực hiện như sau:

a) Tết nguyên đán thì người bị tạm giữ được ăn thêm nhưng mức ăn (bao gồm cả ăn thêm) không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường;

b) Ngày lễ hoặc Tết dương lịch thì người bị tạm giữ được ăn thêm, nhưng không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày ăn ngày thường;

c) Cơ quan nơi tạm giữ có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế và khẩu vị của người bị tạm giữ để bảo đảm họ được ăn hết tiêu chuẩn.

...

Như vậy, người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được đảm bảo chế độ ăn uống theo tiêu chuẩn định lượng mỗi người/ngày như sau: 0,6 kg gạo tẻ thường; 0,1 kg thịt lợn; 0,5 kg rau; 01 lít nước uống được đun sôi để nguội; nước mắm, muối, chất đốt phù hợp.

Trong dịp Tết nguyên đán thì người bị tạm giữ sẽ được ăn thêm với tổng mức ăn không quá 05 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. Còn trong dịp lễ, Tết dương lịch thì người bị tạm giữ được ăn thêm không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày ăn ngày thường.

Lưu ý: Cơ quan nơi tạm giữ có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế và khẩu vị của người bị tạm giữ để bảo đảm họ được ăn hết tiêu chuẩn.

Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính là bao lâu?

Căn cứ khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi bởi điểm b khoản 61 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính như sau:

Điều 122. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính

...

3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.

Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.

Như vậy, thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính là không quá 12 giờ hoặc không quá 24 giờ trong trường hợp cần thiết kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với việc tạm giữ ở các khu vực biên giới, rừng núi xa xôi, hải đảo thì tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.

Trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ kéo dài không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Tiếp nhận người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính cần phải thực hiện như thế nào?

Căn cứ Điều 24 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định về tiếp nhận người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Theo đó, người được giao nhiệm vụ tiếp nhận người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính phải đảm bảo thực hiện các công việc sau:

- Kiểm tra, đối chiếu quyết định tạm giữ với người bị tạm giữ hành chính.

- Kiểm tra, ghi nhận tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ.

- Kiểm tra tư trang, đồ vật của người bị tạm giữ được phép mang theo;

- Phổ biến quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ;

- Nội quy nơi tạm giữ và những quy định khác có liên quan.

- Vào Sổ theo dõi người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Trân trọng!

Trần Thị Ngọc Huyền
237

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]